Cách dùng:
Amoxicillin dạng trihydrat chỉ dùng đường uống, amoxicilin dạng muối natri chỉ dùng đường tiêm. Hấp thu amoxicilin không bị ảnh hưởng bởi thức ăn trong dạ dày, do đó có thể uống trước hoặc sau bữa ăn. Bột pha hỗn dịch khi dùng có thể trộn với sữa, nước quả, nước và uống ngay lập tức sau khi trộn.
Có thể pha loãng dung dịch tiêm amoxicilin trong dung dịch natri clorid 0,9% ở 23 oC, và phải dùng trong vòng 6 giờ; hoặc pha loãng bằng dung dịch dextrose, dùng trong vòng 1 giờ; pha trong dung dịch natri lactat, dùng trong vòng 3 giờ.
Tiêm bắp: Không dùng để tiêm tĩnh mạch dung dịch pha để tiêm bắp.
Người lớn: Không tiêm vượt quá 1 g amoxicilin một lần.
Trẻ em: Không tiêm vượt quá 25 mg/kg một lần. Dung dịch pha để tiêm bắp có alcol benzylic làm tiêm bắp không đau.
Trẻ nhỏ và trẻ dưới 3 tuổi: Pha vào 5 ml nước cất để tiêm (không dùng ống tiêm chứa dung dịch pha có alcol benzylic).
Tiêm tĩnh mạch: Tiêm chậm trực tiếp tĩnh mạch trong 3 – 4 phút.
Người lớn: Không tiêm vượt quá 1 g amoxicilin một lần.
Trẻ em: Không tiêm vượt quá 25 mg/kg một lần. Truyền nhanh tĩnh mạch gián đoạn trong 30 – 60 phút.
Người lớn: Không truyền quá 2 g amoxicilin một lần.
Trẻ em: Không truyền quá 50 mg/kg một lần. Truyền tĩnh mạch liên tục
Liều lượng:
Liều uống cho người có chức năng thận bình thường:
Nhiễm vi khuẩn nhạy cảm ở tai, mũi, họng, da, đường tiết niệu:
Người lớn:
Nhiễm khuẩn nhẹ, vừa: 250 mg cách 8 giờ/lần hoặc 500 mg cách 12 giờ/lần.
Nhiễm khuẩn nặng: 500 mg cách 8 giờ/lần hoặc 875 mg cách 12 giờ/lần.
Trẻ em:
Nhiễm khuẩn nhẹ, vừa: 20 mg/kg/ngày cách 8 giờ/lần hoặc 25 mg/kg/ngày cách 12 giờ/lần.
Nhiễm khuẩn nặng: 40 mg/kg/ngày cách 8 giờ/lần hoặc 45 mg/kg/ngày cách 8 giờ/lần.
Nhiễm Helicobacter pylori:
Người lớn: 1 g amoxicilin ngày uống 2 lần, phối hợp với clarithromycin 500 mg uống 2 lần mỗi ngày và omeprazol 20 mg uống 2 lần mỗi ngày (hoặc lansoprazol 30 mg uống 2 lần mỗi ngày) trong 7 ngày. Sau đó, uống 20 mg omeprazol (hoặc 30 mg lansoprazol) mỗi ngày trong 3 tuần nữa nếu bị loét tá tràng tiến triển, hoặc 3 – 5 tuần nữa nếu bị loét dạ dày tiến triển.
Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn:
Người lớn: Một liều duy nhất 2 g, uống 1 giờ trước khi làm thủ thuật.
Trẻ em: Một liều duy nhất 50 mg/kg (không được vượt liều người lớn), uống 1 giờ trước khi làm thủ thuật.
Bệnh Lyme:
Viêm tim nhẹ (blốc nhĩ thất độ 1 hoặc 2):
Người lớn: 500 mg/lần, 3 lần/ngày trong 14 – 21 ngày.
Trẻ em dưới 8 tuổi: 50 mg/kg/ngày chia làm 3 lần (liều tối đa 1,5 g/ngày).
Viêm khớp, không kèm theo rối loạn thần kinh do bệnh Lyme:
Người lớn: 500 mg/lần, 3 lần/ngày trong 28 ngày.
Trẻ em: 50 mg/kg/ngày chia làm 3 lần (liều tối đa 1,5 g/ngày).
Dự phòng hậu phơi nhiễm sau khi tiếp xúc với bào tử bệnh than (chiến tranh sinh học):
Người dưới 40 kg: 45 mg/kg/ngày chia làm 3 lần. Người lớn ≥ 40 kg: 500 mg cách 8 giờ/lần.
Liều tiêm cho người có chức năng thận bình thường:
Tiêm bắp: Người lớn: 2 g/ngày chia 2 lần, trẻ em: 50 mg/kg/ngày.
Tiêm tĩnh mạch:
Người lớn: 2 – 12 g/ngày.
Trẻ em (từ 1 tháng – 15 tuổi): 100 – 200 mg/kg/ngày. Sơ sinh thiếu tháng (0 – 7 ngày): 100 mg/kg/ngày; (7 – 30 ngày): 100 – 150 mg/kg/ngày.
Sơ sinh đủ tháng (0 – 7 ngày): 100 – 150 mg/kg/ngày; (7 – 30 ngày): 100 – 200 mg/kg/ngày.
Bệnh Lyme tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ:
Người lớn: 4 – 6 g/ngày.
Trẻ em: 50 – 100 mg/kg/ngày.
Thời gian điều trị: 15 – 21 ngày.
Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn:
Người lớn: Truyền tĩnh mạch 2 g trong vòng 30 phút, một giờ trước khi làm thủ thuật.
Trẻ em: Tiêm tĩnh mạch 50 mg/kg, một giờ trước khi làm thủ thuật. Đối với người suy thận, phải giảm liều theo hệ số thanh thải creatinin:
Clcr < 10 ml/phút: 250 – 500 mg/24 giờ phụ thuộc vào mức độ nặng của nhiễm khuẩn.
Clcr: 10 – 30 ml/phút: 250 – 500 mg/12 giờ phụ thuộc vào mức độ nặng của nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân suy thận nặng với Clcr < 30 ml/phút không được dùng viên nén chứa 875 mg amoxicilin.
Bệnh nhân thẩm phân máu: 250 – 500 mg/24 giờ phụ thuộc vào mức độ nặng của nhiễm khuẩn và một liều bổ sung trong và sau mỗi giai đoạn thẩm phân.
Thời gian dùng thuốc:
Thời gian điều trị bằng amoxicilin tùy thuộc vào loại và mức độ nhiễm khuẩn và được xác định bởi đáp ứng lâm sàng và xét nghiệm vi khuẩn của bệnh nhân. Trong phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn, cần tiếp tục điều trị ít nhất 48 – 72 giờ sau khi bệnh nhân không còn triệu chứng hoặc có bằng chứng đã hết nhiễm khuẩn. Nếu nhiễm khuẩn dai dẳng, cần quá trình điều trị vài tuần. Trong điều trị nhiễm khuẩn gây ra bởi liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A, cần tiếp tục điều trị ít nhất 10 ngày để giảm nguy cơ sốt thấp khớp và viêm cầu thận. Với nhiễm khuẩn đường niệu mạn tính, cần đánh giá lâm sàng và xét nghiệm vi khuẩn thường xuyên trong và có thể vài tháng sau khi điều trị. Dự phòng hậu phơi nhiễm và điều trị bệnh than trong chiến tranh sinh học, dùng amoxicillin kéo dài trong 60 ngày.