Hậu môn là đoạn cuối cùng của ống tiêu hoá, nối tiếp với trực tràng ở trên, có chức năng tống xuất phân ra ngoài cơ thể. Ngay bên trong hậu môn có một số tuyến nhỏ tạo chất nhờn. Đôi khi, các tuyến này bị tắc và có thể bị nhiễm trùng dẫn đến áp xe. Khoảng một nửa số áp xe này khi mủ chảy ra ngoài có thể hình thành đường rò nhỏ. Đường rò hậu môn là một đường hầm nhỏ nối ổ áp xe với một lỗ trên da xung quanh hậu môn.
Tìm hiểu chung
Lỗ rò hậu môn trực tràng là gì?
Hậu môn là đoạn cuối cùng của ống tiêu hoá, nối tiếp với trực tràng ở trên, có chức năng tống xuất phân ra ngoài cơ thể. Ngay bên trong hậu môn có một số tuyến nhỏ tạo chất nhờn. Đôi khi, các tuyến này bị tắc và có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến áp xe. Khoảng một nửa số áp xe này khi mủ chảy ra ngoài có thể hình thành đường rò nhỏ. Đường rò này là một đường hầm nhỏ nối ổ áp xe với một lỗ trên da xung quanh hậu môn.
Rò hậu môn có thể gây ra các triệu chứng khó chịu, chẳng hạn như đau, kích ứng da và thường sẽ không tự thuyên giảm. Phẫu thuật được khuyến cáo trong hầu hết các trường hợp.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của Rò hậu môn trực tràng
Các dấu hiệu và triệu chứng của lỗ rò hậu môn bao gồm:
- Áp xe hậu môn tái đi tái lại;
- Tiết dịch có máu hoặc có mùi hôi (mủ) từ lỗ xung quanh hậu môn;
- Đau và sưng tấy quanh hậu môn. Cơn đau có thể giảm sau khi lỗ rò chảy hết dịch/mủ ra;
- Kích ứng da xung quanh hậu môn do chảy mủ/dịch từ lỗ rò;
- Đau khi đi tiêu;
- Chảy máu;
- Sốt, ớn lạnh và mệt mỏi.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Rò hậu môn trực tràng
Các biến chứng của lỗ rò hậu môn bao gồm: rò tái phát sau khi điều trị. Một biến chứng khác là không thể kiểm soát chức năng đi tiêu (són phân). Điều này có thể xảy ra nếu một số cơ xung quanh lỗ hậu môn, được gọi là cơ vòng hậu môn, bị cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến Rò hậu môn trực tràng
Những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh rò hậu môn là do các tuyến hậu môn bị tắc nghẽn và áp xe hậu môn.
Các nguyên nhân khác, ít phổ biến hơn nhiều, có thể gây ra lỗ rò hậu môn bao gồm:
- Bệnh Crohn (một bệnh viêm ruột tự miễn);
- Chiếu xạ trong điều trị ung thư;
- Chấn thương;
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục;
- Bệnh lao;
- Ung thư;
- Viêm túi thừa.
Nguy cơ
Những ai có nguy cơ mắc phải Rò hậu môn trực tràng?
Rò hậu môn phổ biến hơn ở nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ cũng có thể mắc phải. Bệnh cũng phổ biến hơn ở những người từ 30 đến 50 tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Rò hậu môn trực tràng
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải như:
- Tiền sử áp xe hoặc lỗ rò hậu môn trước đây;
- Bệnh Crohn;
- Viêm loét đại tràng;
- Chấn thương;
- Phẫu thuật hoặc xạ trị trước đây;
- Ung thư;
- Một số bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả HIV và bệnh lao.
Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Rò hậu môn trực tràng
Để chẩn đoán rò hậu môn trực tràng thì việc khám hậu môn trực tràng là bước cần thiết. Bằng cách kiểm tra khu vực xung quanh hậu môn, bác sĩ sẽ tìm một lỗ hổng (đường rò) trên da rồi xác định độ sâu của đường và hướng đi của nó. Trong nhiều trường hợp, sẽ có dịch hoặc mủ chảy từ lỗ bên ngoài.
Đôi lúc, lỗ rò có thể không nhìn thấy trên bề mặt da thì bác sĩ có thể đề nghị thêm các xét nghiệm bổ sung:
- Nội soi hậu môn trực tràng.
- Siêu âm đầu dò trực tràng hoặc MRI vùng hậu môn để khảo sát tốt hơn về đường rò.
Ngoài ra, cần khảo sát nguyên nhân lỗ rò có liên quan đến bệnh Crohn hay các bệnh lý viêm nhiễm khác hay không. Khoảng 25% những người bị bệnh Crohn có lỗ rò.
Phương pháp điều trị Rò hậu môn trực tràng hiệu quả
Phẫu thuật hầu như luôn luôn cần thiết để điều trị rò hậu môn. Mục tiêu của phẫu thuật là vừa loại bỏ lỗ rò trong khi cố gắng bảo tồn các cơ vòng (cơ thắt) hậu môn. Việc gây tổn thương các cơ thắt hậu môn có thể gây ra tình trạng đại tiện không tự chủ, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Các lựa chọn phẫu thuật chính bao gồm:
- Cắt lỗ rò – một thủ thuật bao gồm cắt mở toàn bộ chiều dài của đường rò để lỗ rò lành lại thành một vết sẹo phẳng.
- Cột thun cơ thắt – một đoạn thun phẫu thuật được đặt vào lỗ rò và để ở đó trong vài tuần để giúp lỗ rò lành, đường rò sẽ nông dần ra da và không làm đứt cơ vòng.
Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Rò hậu môn trực tràng
Chế độ sinh hoạt:
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Chế độ dinh dưỡng:
Ăn chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước, tránh táo bón.
Sử dụng chất làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng khi cần thiết.
Phương pháp phòng ngừa Rò hậu môn trực tràng hiệu quả
Vì nguyên nhân chính gây nên rò hậu môn trực tràng là do áp xe hậu môn trực tràng nên phương pháp phòng ngừa hiệu quả rò hậu môn chính là phòng ngừa áp xe hậu môn trực tràng. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Đối với người lớn, sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục, bao gồm cả giao hợp qua đường hậu môn, có thể giúp ngăn ngừa áp xe hậu môn.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, thay tã thường xuyên và vệ sinh đúng cách trong quá trình thay tã có thể giúp ngăn ngừa rò hậu môn và áp xe quanh hậu môn.
Sử dụng các biện pháp để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tìm cách điều trị kịp thời khi mắc bệnh.
Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ.
Điều trị các nguyên nhân có thể gây áp xe hậu môn trực tràng như bệnh Crohn, kiểm soát tốt đường huyết khi mắc đái tháo đường,…
Nguồn tham khảo
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14466-anal-fistula
- https://www.nhs.uk/conditions/anal-fistula/