Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời.
CÓ NÊN CHO TRẺ BÚ SỮA MẸ HOÀN TOÀN?
Nuôi con bằng sữa mẹ là việc cho bé yêu bú hoàn toàn sữa được tiết ra từ vú của người mẹ trong suốt 6 tháng đầu đời mà không cần bổ sung thêm bất kỳ thực phẩm nào khác, kể cả nước lọc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics – AAP) và Trường Cao đẳng Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists) khuyến khích mẹ nên cho bé bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, không sử dụng sữa công thức, nước trái cây hoặc nước lọc. Sau khoảng thời gian này, khi bé ăn được các loại thực phẩm khác, vẫn khuyến khích tiếp tục cho bé bú sữa mẹ trong suốt 1 năm đầu đời.
PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh, Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh và phù hợp nhất cho bé, “tiêu chuẩn vàng cho dinh dưỡng trẻ nhũ nhi”. Sữa mẹ cân bằng tối ưu các chất dinh dưỡng cho trẻ đồng thời tăng cường hệ miễn dịch của trẻ bởi trong sữa mẹ chứa đủ những chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, năng lượng, vitamin và muối khoáng, có tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thu của hệ tiêu hóa và phát triển của bé.
Cụ thể là:
- Protein (chất đạm) có trong sữa mẹ ít hơn sữa động vật, rất phù hợp với chức năng đào thải khi thận của bé chưa trưởng thành. Protein trong sữa mẹ là dạng lỏng hòa tan, còn được gọi là Protein sữa, rất phù hợp với hệ tiêu hóa và khả năng hấp thu của bé.
-
- Protein trong sữa bò chủ yếu là Casein, khi vào dạ dày dễ tạo thành cục vón đông làm bé khó tiêu hóa và hấp thu, kết quả là bé dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, Protein sữa còn chứa nhiều kháng khuẩn, giúp bé tăng cường miễn dịch chống lại các bệnh lý nhiễm khuẩn.
- Lipid (chất béo) có trong sữa mẹ là một dưỡng chất quan trọng đối với sức khỏe của bé. Chất béo có vai trò là nguồn cung cấp calo chính, giúp cơ thể bé dễ hấp thu các vitamin tan trong chất béo. Thêm vào đó, các chuỗi axit béo còn rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh, võng mạc và giúp hệ miễn dịch của bé được khỏe mạnh, hoàn thiện theo thời gian.
- Carbohydrate (tinh bột) trong sữa mẹ gồm Lactose và Oligosaccharide (Lactose chiếm khoảng 40% tổng lượng calo sữa mẹ cung cấp). Lactose có vai trò giảm lượng lớn vi khuẩn có hại bên trong dạ dày của bé, cải thiện khả năng hấp thu các dưỡng chất như canxi, magie và photpho. Lactose còn thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn có trong dạ dày, giúp bé tăng cường khả năng chống lại bệnh tật.
- Oligosaccharide hoạt động như Prebiotics, có nhiệm vụ cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột của bé, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ viêm não.
- Vitamin và khoáng chất là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, lượng vitamin và khoáng chất trong sữa mẹ sẽ phụ thuộc vào lượng vitamin do cơ thể mẹ cung cấp. Đó là lý do tại sao người mẹ cần bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Khi chuẩn bị kế hoạch có em bé, trong thai kỳ và thậm chí là sau khi sinh, chị em cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất phù hợp.
- Kháng thể có trong sữa mẹ sẽ giúp bé chống lại được nhiều bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy, sữa mẹ chứa đến hàng triệu tế bào bạch cầu và Globulin miễn dịch, có vai trò vô hiệu hóa vi khuẩn và virus có hại, bảo vệ bé phát triển khỏe mạnh.
- Enzyme và hormonegiúp tăng tốc độ hấp thu và cân bằng sinh hóa, đảm bảo cơ thể bé hoạt động bình thường. Trong sữa mẹ có hơn 40 loại enzyme hỗ trợ hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ. Ngoài ra, sữa mẹ chứa nhiều hormone như Prolactin, Oxytocin, Thyroid… giúp bé bú mẹ nhiều hơn, ngủ ngon hơn, đặc biệt tăng kết nối mẹ và bé.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ ĐỐI VỚI TRẺ
WHO khuyến khích mẹ có thể cho bé bú sữa mẹ đến khi trẻ 2 tuổi hoặc lâu hơn, và nên bắt đầu sớm nhất là 1 giờ sau sinh bởi những điều tuyệt vời từ lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ mang lại. (2)
Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn được khuyến cáo rộng rãi trong vòng 6 tháng đầu sau sinh, sau đó tiếp tục kèm theo thức ăn đặc cho tới khi trẻ được ít nhất 1 tuổi.
1. CUNG CẤP NGUỒN DINH DƯỠNG LÝ TƯỞNG CHO BÉ
Như đã chia sẻ ở trên, sữa mẹ chứa đầy đủ những chất dinh dưỡng với tỷ lệ thích hợp mà cơ thể bé cần trong 6 tháng đầu đời. Thậm chí, thành phần các dưỡng chất trong sữa mẹ còn thay đổi theo nhu cầu và sự phát triển của bé.
Vào những ngày đầu tiên sau khi sinh, bầu vú mẹ sẽ tiết ra một chất lỏng đặc và có màu vàng nhạt được gọi là sữa non. Loại sữa này vô cùng bổ dưỡng, chứa nhiều đạm, ít đường và giàu các vi chất có lợi, giúp hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của bé phát triển. Sau vài ngày, bầu vú mẹ sẽ tiết ra một lượng sữa lớn hơn, phù hợp với sự phát triển của dạ dày bé.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh cho biết, chất dinh dưỡng duy nhất mà sữa mẹ thiếu chính là vitamin D. Thông thường, vitamin D sẽ được bổ sung thông qua chế độ dinh dưỡng của mẹ, nếu cơ thể mẹ không được cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết thì sữa mẹ cũng không được cung cấp đủ.
Chính vì thế, mẹ có thể bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách bổ sung vitamin D dưới dạng nhỏ giọt khi bé đã được 2-4 tuần tuổi.
2. CHỨA NHIỀU KHÁNG THỂ QUAN TRỌNG
Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp bé chống lại được virus và vi khuẩn có hại, điều này rất quan trọng trong những tháng đầu hệ miễn dịch bé còn non nớt, chưa hoàn thiện.
Các loại sữa công thức không thể cung cấp kháng thể bảo vệ trẻ sơ sinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ dễ gặp các vấn đề sức khỏe như viêm phổi, tiêu chảy và nhiễm trùng.
3. GIẢM NGUY CƠ BỆNH TẬT
Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ còn được thể hiện qua vai trò ngăn ngừa nguy cơ mắc nhiều bệnh tật ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Viêm tai giữa: Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong thời gian càng dài sẽ càng tăng hiệu quả bảo vệ, chống lại các bệnh nhiễm trùng tai giữa, cổ họng và viêm xoang ngay từ giai đoạn sơ sinh.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Nghiên cứu cho thấy, nuôi con bằng sữa mẹ có thể chống lại các bệnh cấp tính ở đường hô hấp và đường tiêu hóa.
- Cảm lạnh và nhiễm trùng: Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời có thể giảm nguy cơ bị cảm lạnh nghiêm trọng hoặc các bệnh nhiễm trùng tai, họng.
- Tổn thương đường ruột: Việc cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có liên quan mật thiết với giảm nguy cơ nhiễm trùng đường ruột, ít nguy cơ mắc bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
- Hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS): Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết, việc cho con bú sữa mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa hội chứng SIDS.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, kết luận này vẫn đang được nghiên cứu thêm.
4. GIÚP BÉ KHÔNG BỊ THỪA CÂN, BÉO PHÌ
Nghiên cứu cho thấy, việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 tháng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ thừa cân và béo phì ở trẻ. Lý do là trẻ bú sữa mẹ nhận được lượng lớn vi khuẩn đường ruột, tác động đến việc lưu trữ chất béo trong cơ thể.
Ngoài ra, trong sữa mẹ chứa nhiều Leptin hơn sữa công thức. Leptin là một hormone quan trọng, có vai trò điều chỉnh sự thèm bú mẹ và lưu trữ chất béo.
5. GIÚP BÉ THÔNG MINH HƠN
Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ có thể làm giảm xuất độ và tử suất của các bệnh lý truyền nhiễm ở trẻ nhũ nhi. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài có liên quan đến chỉ số thông minh cao hơn, thời gian đi học lâu hơn và có thu nhập cao hơn khi trưởng thành.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Bernardo Lessa Horta của Đại học Liên bang Pelotas tại Brazil, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tăng trí thông minh kéo dài đến ít nhất năm 30 tuổi mà còn có ảnh hưởng lên cả vị thế cá nhân và địa vị trong xã hội bằng cách tăng cường khả năng tiếp thu kiến thức và khả năng tăng thu nhập.”
6. GIÚP BÉ PHÁT TRIỂN CƠ MIỆNG
Thực tế cho thấy, động tác mút núm vú khi bú mẹ sẽ giúp bé phát triển khoang miệng và xương cơ hàm, hỗ trợ răng mọc tốt sau này. Ngoài ra, bé bú sữa mẹ cũng ít bị sâu răng hơn so với các bé khác.
7. GIÚP BÉ GẦN GŨI HƠN VỚI MẸ
Mẹ cho bé bú sẽ tạo ra sự gần gũi về mặt thể chất như việc tiếp xúc da thịt, giao tiếp bằng mắt với bé. Nhờ vậy sẽ tạo ra sự gắn kết, khiến mẹ và bé gẫn gũi hơn, mang đến cảm giác an tâm, bé được âu yếm, ít khóc hơn.
8. HỖ TRỢ VIỆC GIẢM CÂN SAU SINH
Việc cho bé bú sẽ giúp đốt cháy nhiều calo hơn, nhờ đó mà mẹ giảm cân nhanh hơn.
9. GIÚP TỬ CUNG MẸ CO LẠI NHANH HƠN
Trong suốt thời gian mang thai, tử cung người mẹ phải giãn rộng ra để đáp ứng sự phát triển của thai nhi. Sau khi sinh, tử cung sẽ dần co lại. Nghiên cứu cho thấy, khi cho con bú, lượng hormone Oxytocin trong cơ thể mẹ sẽ tăng cao, giúp co thắt tử cung và giảm chảy máu, giúp tử cung sớm trở về lại kích thước trước đó.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mẹ cho con bú thường ít mất máu hơn và tử cung hồi phục nhanh hơn.
10. GIẢM NGUY CƠ BỊ TRẦM CẢM SAU SINH
Trầm cảm sau sinh (PPD) là một dạng trầm cảm có thể xuất hiện sau khi phụ nữ sinh con. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy, mẹ cho con bú dường như ít bị trầm cảm sau sinh hơn so với mẹ không cho con bú hoặc mẹ cai sữa sớm.
11. GIẢM NGUY CƠ MẮC CÁC BỆNH PHỤ KHOA
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan mật thiết giữa tổng thời gian mẹ cho con bú với việc giảm nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa như ung thư như ung thư vú, ung thư buồng trứng. Việc mẹ cho bé bú sớm ngay sau khi sinh có thể giúp tuyến sữa của mẹ được thông suốt, hạn chế được các nguy cơ viêm tắc vú, viêm tắc tuyến sữa, ung thư vú…
Ngoài ra, những mẹ cho con bú còn ít nguy cơ mắc các bệnh lý khác như đái tháo đường tuýp 2, tim mạch, mỡ máu cao, huyết áp cao, viêm khớp…
12. NGĂN NGỪA LOÃNG XƯƠNG
Mặc dù khi cho con bú, cơ thể mẹ sẽ cần nhiều Calcium hơn để tạo sữa. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, khi cai sữa sớm, mật độ xương của mẹ sẽ trở về như trước khi mang thai, thậm chí mẹ có nguy cơ bị gãy xương chậu sau mãn kinh cao hơn so với mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
13. HOÃN THỜI GIAN HÀNH KINH TRỞ LẠI
Việc tiếp tục cho bé bú được chứng minh có thể làm ngừng quá trình rụng trứng và hành kinh ở phụ nữ, đảm bảo khoảng cách giữa các lần mang thai. Mẹ có thể xem đây là một lợi ích bổ sung, giúp mẹ tận hưởng được khoảng thời gian quý báu với con yêu.
14. TIẾT KIỆM THỜI GIAN, TIỀN BẠC, CÔNG SỨC
Nếu cho con bú sữa mẹ trực tiếp từ bầu vú, mẹ sẽ không cần phải:
- Tốn chi phí cho sữa công thức;
- Tính toán xem bé cần uống bao nhiêu sữa công thức mỗi ngày là phù hợp;
- Dành nhiều thời gian để vệ sinh và tiệt trùng bình sữa cho bé;
- Dành thời gian hâm nóng sữa giữa đêm thay vì sữa mẹ luôn ở nhiệt độ thích hợp, sẵn sàng cho bé uống bất cứ lúc nào.
15. TĂNG CƯỜNG TÌNH MẪU TỬ
Việc ôm ấp, nâng niu con trong tay và trao cho con những dòng sữa mẹ thiêng liêng sẽ giúp tăng sự khắng khít, gắn bó giữa mẹ và bé, tăng cường tình mẫu tử.
NGUỒN THAM KHẢO: Tổng hợp