Lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn, biểu hiện bằng viêm cấp hoặc mạn tính các mô khác nhau của cơ thể. Đây không phải là một bệnh da phổ biến, nhưng nó gây ra mối lo âu lớn cho người bệnh vì vị trí ảnh hưởng nhiều nhất là ở mặt. Hãy cùng Huỳnh Phương tìm hiểu thêm về bệnh lupus ban đỏ và cách điều trị căn bệnh này.

Tìm hiểu chung

Lupus ban đỏ là gì? 

Lupus ban đỏ là một nhóm các rối loạn tương đối lành tính, thuần khiết chỉ khu trú ở da. Nhưng có thể gây tổn thương nặng và tiến triển đến các cơ quan khác như thận. Đặc điểm mô bệnh học của da chung cho tất cả các thể lupus ban đỏ là phản ứng mô dạng liken. Thuật ngữ phản ứng mô dạng liken được sử dụng khi có sự biến đổi hệ không bào của các tế bào đáy ở biểu bì. Và thâm nhiễm bạch cầu lympho ở bên dưới. Kiểu này cũng gặp trong bệnh liken phẳng, các phản ứng thuốc dạng liken và do đó, không có giá trị chẩn đoán lupus ban đỏ.

Ngày nay người ta chia lupus ban đỏ thành các thể chính:

  • Lupus ban đỏ hình đĩa kinh điển: Là một rối loạn da mạn tính, đơn thuần được đặc trưng bởi sự nhảy cảm với ánh sáng. Dẫn đến hình thành các mảng da đỏ ở các khu vực tiếp xúc với ánh sáng mà khi lành sẽ tạo sẹo.
  • Lupus ban đỏ ở da bán cấp: Biến thể này của bệnh lupus ban đỏ là một thể nằm giữa lupus ban đỏ dạng đĩa đơn thuần ở da đã được mô tả ở trên và lupus ban đỏ hệ thống.
  • Lupus ban đỏ hệ thống.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ dạng đĩa mạn tính

Lupus ban đỏ dạng đĩa mạn tính thường bắt đầu trong các tháng mùa hè nắng nóng với biểu hiện là mảng thương tổn đỏ, sưng, nổi gồ, tạo vảy ở mặt.

Các vẩy này dính rất chặt vào lớp biểu bì ở dưới và ăn vào các nang lông, tạo ra một dấu hiệu gọi là dấu hiệu đinh bấm thảm. Điều này có nghĩa là khi một vảy bong ra khỏi mảng, sẽ có sức căng rõ ở mặt dưới xuất phát từ khe hở nang lông tuyến bã nhờn nằm ở dưới. Ở đầu, các mảng này kèm với các khu vực rụng tóc vĩnh viễn, vì chân tóc bị phá hủy.

Lupus ban đỏ ở da bán cấp

Người bệnh nhạy cảm với ánh nắng, có các thương tổn dát đỏ và có các mảng thương tổn đỏ ở vùng bị phơi nhiễm, nhưng có cả ở vùng da kín. Hay gặp ở phần thân trên với các thương tổn lan tỏa và rải rác tồn tại dai dẳng cả năm. Vảy và sẹo không thường gặp.

Lupus ban đỏ hệ thống

Ban của lupus ban đỏ hệ thống kinh điển là ban đỏ dạng đát ở trên mặt. Khu vực má và mũi bị ảnh hưởng nặng nhất tạo hình cánh bướm, ban đỏ có thể lan tỏa rộng và toàn phát trên cả mặt. Ban có thể do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gây ra. Lòng bàn tay có thể có ban đỏ lan tỏa, không giống như ban đỏ nhìn thấy ở bệnh nhân bị bệnh gan, và mu bàn tay có thể có ban lan tỏa, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Rụng tóc loang lổ và lan tỏa là một đặc điểm hay gặp, nhưng không tạo sẹo, không gây tổn thương vĩnh viễn hành tóc, tóc sẽ mọc lại bình thường sau khi điều trị có kết quả.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh lupus ban đỏ

Không rõ lý do chính xác của bất thường về miễn dịch trong lupus ban đỏ.

Yếu tố bẩm sinh (di truyền)

Yếu tố di truyền càng rõ ở trẻ sơ sinh cùng trứng, chiếm tỷ lệ 63% trong khi ở trẻ sơ sinh khác trứng tỷ lệ mắc là 10%.

Yếu tố mắc phải

  • Virus;
  • Thuốc: Các thuốc điều trị lao (INH, Rifampicin), hạ áp (Hydralazin, Procainamid), chống co giật (Phenintoin…), thuốc chống thụ thai… là những nguyên nhân gây lupus ban đỏ;
  • Hormone giới tính: Gặp ở nữ nhiều hơn nam (8 – 9/1), tần suất cao ở lứa tuổi sinh đẻ. Quá trình thai nghén ảnh hưởng rõ ràng tới bệnh, đặc biệt là 03 tháng cuối thời kỳ mang thai;
  • Tia cực tím.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) bệnh lupus ban đỏ?

Bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới (có thể gấp 8 lần hoặc hơn).

Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường nhất là từ 20 đến 45 tuổi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ

Bệnh lupus ban đỏ hình đĩa kinh điển

Chẩn đoán xác định thường là dễ và chủ yếu dựa vào lâm sàng. Tuy nhiên một số thương tổn không điển hình. Cần phải sinh thiết để xác định chẩn đoán như xét nghiệm hàm lượng bổ thể C3, C4. Kháng thể kháng nhân.

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm, năm 1971. Hội Khớp học Mỹ (ARA) đề xuất tiêu chuẩn chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống bao gồm 14 biểu hiện quan trọng của bệnh. Tuy nhiên hệ thống tiêu chuẩn này có một số nhược điểm nên năm 1982 ARA đã điều chỉnh lại còn 11 tiêu chuẩn:

  • Ban đỏ ở má: Phẳng hoặc nổi cao trên gò má;
  • Ban dạng đĩa: Thương tổn nổi có vảy sừng bám chắc và nút sừng quanh nang lông;
  • Cảm ứng ánh nắng;
  • Loét miệng, mũi, họng;
  • Viêm khớp không hủy hoại ở hai hoặc nhiều khớp, có đau, sưng và tiết dịch;
  • Viêm các màng: Viêm màng phổi; vêm màng ngoài tim;
  • Tổn thương thận;
  • Tổn thương thần kinh;
  • Rối loạn huyết học;
  • Rối loạn miễn dịch (Anti DNA, VDRL (+) giả, LE (+)…);
  • Kháng thể kháng nhân ANA (+).

Phương pháp điều trị bệnh lupus ban đỏ hiệu quả

Lupus ban đỏ dạng đĩa mạn tính

Sử dụng thuốc chống nắng phổ rộng ban ngày sẽ giúp ngăn ngừa hình thành các tổn thương mới. Và các thuốc steroid tại chỗ loại có tác dụng vừa hoặc mạnh sẽ giúp làm giảm viêm và giảm tạo sẹo ở các thương tổn đã có. Đây là một ngoại lệ nằm ngoài các nguyên tắc không nên sử dụng các steroid tại chỗ loại mạnh ở mặt, nhưng dù là như thế thì trong bệnh này vẫn cần phải đánh giá lại đều đặn và giảm bớt tác dụng mạnh của steroid.

Nếu như áp dụng một chế độ bôi chống nắng vào ban ngày và thuốc steroid tại chỗ buổi tối mà mảng tổn thương vẫn tiếp tục xuất hiện. Cân nhắc sử dụng các thuốc kháng sốt rét toàn thân.

Chloroquin (liều tối đa 150 mg/ngày) hoặc hydroxychloroquin sulphat (Plaquenil, liều tối đa 200 mg/ngày) có thể hữu ích. Thường chỉ dùng trong khoảng 4 – 6 tháng vào mùa hè mỗi năm. Các thuốc chống sốt rét có thể gây tích lũy độc ở mắt. Và do đó khám đánh giá mắt trước khi bắt đầu điều trị là quan trọng nếu phải điều trị lâu dài.

Lupus ban đỏ ở da bán cấp

Sử dụng thuốc chống nắng phổ rộng ban ngày sẽ giúp ngăn ngừa hình thành các tổn thương mới và các thuốc steroid tại chỗ loại có tác dụng vừa hoặc mạnh sẽ giúp làm giảm viêm và giảm tạo sẹo ở các thương tổn đã có.

Đây là một ngoại lệ nằm ngoài các nguyên tắc không nên sử dụng các steroid tại chỗ loại mạnh ở mặt, nhưng dù là như thế thì trong bệnh này vẫn cần phải đánh giá lại đều đặn và giảm bớt tác dụng mạnh của steroid.

Nếu như áp dụng một chế độ bôi chống nắng vào ban ngày và thuốc steroid tại chỗ buổi tối mà mảng tổn thương vẫn tiếp tục xuất hiện, cân nhắc sử dụng các thuốc kháng sốt rét toàn thân.

Chloroquine (liều tối đa 150 mg/ngày) hoặc hydroxychloroquine sulphate (Plaquenil, liều tối đa 200 mg/ngày). Có thể hữu ích, thường chỉ dùng trong khoảng 4 – 6 tháng vào mùa hè mỗi năm. Các thuốc chống sốt rét có thể gây tích lũy độc ở mắt. Và do đó khám đánh giá mắt trước khi bắt đầu điều trị là quan trọng nếu phải điều trị lâu dài.

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Điều trị bệnh thường dựa vào các corticosteroid toàn thân và trong một số trường hợp. Kết hợp với một thuốc ức chế miễn dịch chẳng hạn như cyclophosphamide, azathioprine, hoặc chlorambucil.

Liều dùng ban đầu tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Nhưng thường là cần liều 50 – 100 mg prednisolone hàng ngày. Khi tình trạng của bệnh nhân cải thiện, phải giảm liều.

Trong quá trình theo dõi bệnh, liên kết AND hoạt động có thể hữu ích, nếu nó tăng đột ngột có thể cảnh báo trước một đợt tái phát bệnh. Điều trị steroid duy trì nên dùng liều thấp để hạn chế các tác dụng phụ lâu dài của thuốc và dùng cách ngày là hữu ích. Bổ sung thuốc ức chế miễn dịch cũng hữu ích trên phương diện này và một số bệnh nhân có thể điều trị duy trì chỉ bằng các thuốc ức chế miễn dịch đơn độc.

Dù bất cứ một chế nào được thấy là tốt nhất đối với bệnh nhân. Thì tất cả bệnh nhân vẫn cần phải giám sát hai tuần hoặc một tháng một lần để theo dõi tiến triển của bệnh. Và để sàng lọc các tác dụng phụ do điều trị gây ra. Các thuốc azathioprine, cyclophosphamide, và chlorambucil có khả năng gây độc cho máu và thận nhiều nhất.

Tăng huyết áp, tăng cân, đường niệu và các rối loạn thăng bằng điện giải là các tác dụng phụ có hại cơ bản đối với bệnh nhân được điều trị bằng steroid.

Điều trị tại chỗ là một yếu tố nhỏ trong xử trí những bệnh nhân này. Tuy nhiên tránh nắng là một điều quan trọng. Chống nắng bằng loại có SPF 10 đơn vị hoặc lớn hơn và một thuốc steroid bôi tại chỗ vào buổi tối. Có thể làm tăng thêm mức độ cải thiện của các thương tổn da. Ngay cả trên bệnh nhân đang dùng liều tương đối cao các steroid toàn thân.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lupus ban đỏ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh. Và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Tránh nắng kỹ bằng cách bôi các loại kem chống nắng, đội nón mũ rộng vành và che chắn kỹ khi ra ngoài.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm trùng.
  • Bệnh nhân cần biết cách tự chăm sóc và giữ gìn sức khỏe bằng chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa bệnh lupus ban đỏ hiệu quả

Bệnh lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn. Cho đến nay chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hoàn toàn. Vì vậy, cần tư vấn bệnh nhân tự chăm sóc và giữ gìn sức khỏe bằng chế độ ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

  • Bảo vệ chống nắng tốt.
  • Không được ngưng thuốc đột ngột, nhất là corticoid.

Nguồn tham khảo

  1. Bệnh học nội khoa, Trường đại học Y Hà Nội.
  2. Msdmanuals:https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-m%C3%B4-c%C6%A1-x%C6%B0%C6%A1ng-v%C3%A0-m%C3%B4-li%C3%AAn-k%E1%BA%BFt/c%C3%A1c-b%E1%BB%87nh-l%C3%BD-kh%E1%BB%9Bp-t%E1%BB%B1-mi%E1%BB%85n/lupus-ban-%C4%91%E1%BB%8F-h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-sle
error: Nội dung đã được bảo vệ !!
image chat