Phình tách động mạch chủ (Aortic Dissection) là hiện tượng máu chảy qua một vết rách ở nội mạc động mạch chủ làm tách rời lớp áo giữa và lớp áo trong, tạo ra một lòng mạch giả (kênh). Vết rách có thể là nguyên phát hoặc thứ phát do huyết khối động mạch và xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên động mạch chủ và một số động mạch lớn khác. Các triệu chứng bao gồm đau ngực đột ngột hoặc đau lưng. Chẩn đoán bằng các xét nghiệm hình ảnh (siêu âm tim qua thực quản, chụp CT mạch, MRI, chụp động mạch chủ cản quang). Điều trị bằng thuốc kiểm soát huyết áp, theo dõi tiến triển, phẫu thuật sửa chữa động mạch chủ và đặt stent nội mạch.
Tìm hiểu chung
Phình tách động mạch chủ là gì?
Phình động mạch chủ là tình trạng phình một phần động mạch chủ – động mạch chính cấp máu của cơ thể. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt có thể do động mạch chủ làm việc quá mức dẫn đến phình mạch doạ vỡ, làm máu chảy qua những vết rách, gây tách rời lớp áo trong và áo giữa. Nếu động mạch chủ bị chèn ép quá mức có thể gây vỡ động mạch và dẫn đến tử vong.
Phân loại phình tách động mạch chủ bằng hệ thống DeBakey:
- Type I (chiếm 50% số ca phình tách): Tổn thương phình tách này bắt đầu từ động mạch chủ lên, kéo dài ít nhất đến cung động mạch chủ và đôi khi xa hơn.
- Type II (chiếm 35%): Tổn thương phình tách này bắt đầu và giới hạn trong động mạch chủ đi lên (gần với động mạch cánh tay hoặc động mạch vô danh).
- Loại III (15%): Tổn thương phình tách bắt đầu từ động mạch chủ ngực đến điểm xuất phát của động mạch dưới đòn trái và mở rộng ra xa.
Phân loại theo hệ thống Stanford:
- Loại A: Tổn thương xuất phát từ động mạch chủ lên, chỉ ảnh hưởng tại chỗ hoặc lan đến cung động mạch chủ và động mạch chủ xuống.
- Loại B: Tổn thương xuất phát từ động mạch chủ xuống, chỉ lan rộng ở phần này.
Mặc dù bất kỳ khu vực nào của động mạch chủ cũng có thể bị phình tách, nhưng thường xảy ra nhất ở đoạn có ứng suất thủy lực lớn nhất như:
- Thành bên phải của động mạch chủ đi lên (trong vòng 5cm tính từ van động mạch chủ).
- Đoạn gần của động mạch chủ đi xuống (ngay bên ngoài điểm xuất phát của động mạch dưới đòn trái).
Hiếm khi, phình tách chỉ giới hạn trong các động mạch riêng lẻ (ví dụ: Động mạch vành hoặc động mạch cảnh), điển hình ở phụ nữ mang thai hoặc sau sinh.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của phình tách động mạch chủ
Cơn đau dữ dội trước ngực hoặc sau lưng: Cảm giác đau như bị xé rách xảy ra đột ngột. Cơn đau lan rộng khi vết rách kéo dài dọc theo động mạch chủ. Có tới 20% bệnh nhân ngất do đau dữ dội, kích hoạt thụ thể baroreceptor động mạch chủ gây tắc nghẽn động mạch não ngoài sọ hoặc chèn ép tim. Hạ huyết áp và nhịp tim nhanh có thể là dấu hiệu xuất huyết.
Đôi khi, bệnh nhân có các triệu chứng giảm tưới máu (đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu đường ruột, suy thận, liệt hoặc liệt nửa người) do việc cung cấp máu đến tủy sống, não, tim, thận, ruột, tứ chi bị gián đoạn. Sự gián đoạn cung cấp máu thường là do tắc nghẽn động mạch xa cấp tính bởi lòng mạch giả.
Khoảng 20% bệnh nhân bị thiếu hụt một phần hoặc hoàn toàn các xung động mạch chính. Huyết áp ở các chi có thể khác nhau, đôi khi > 30mmHg; phát hiện này cho thấy tiên lượng xấu.
Khoảng 50% bệnh nhân bị phình tách đoạn gần có thể nghe thấy tiếng rì rào của động mạch chủ.
Có thể có dấu hiệu ngoại vi của hở van động mạch chủ.
Hiếm khi suy tim do hở van động mạch chủ cấp tính nghiêm trọng.
Rò rỉ máu hoặc dịch huyết thanh gây viêm vào khoang màng phổi trái dẫn đến dấu hiệu của tràn dịch màng phổi.
Tắc động mạch chi gây ra dấu hiệu của thiếu máu cục bộ ngoại vi hoặc bệnh thần kinh.
Tắc động mạch thận gây thiểu niệu hoặc vô niệu.
Chèn ép tim gây ra rối loạn nhịp tim và giãn tĩnh mạch hình nón.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh phình tách động mạch chủ
Biến chứng thường gặp bao gồm:
- Giảm tưới máu cho động mạch tách ra từ động mạch chủ (bao gồm cả động mạch vành);
- Giãn nở và trào ngược van động mạch chủ;
- Suy tim;
- Vỡ động mạch chủ gây tử vong do đi vào màng tim, tâm nhĩ phải hoặc khoang màng phổi trái.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến phình tách động mạch chủ
Tiền sử thoái hoá lớp áo giữa động mạch chủ: Phình tách động mạch chủ thường xảy ra ở bệnh nhân có những tổn thương từ trước do bệnh lý hoặc chấn thương vật lý.
Nguy cơ
Những ai có nguy cơ mắc phải phình tách động mạch chủ?
Mọi người đều có nguy cơ mắc phình tách động mạch chủ, đặc biệt là người cao tuổi, bệnh nhân đang mắc các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải phình tách động mạch chủ
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Phình tách động mạch chủ, bao gồm:
- Hẹp eo động mạch chủ;
- Thiểu sản quai động mạch chủ;
- Phẫu thuật động mạch chủ: Đặt canuyn, nối mảnh ghép, kẹp động mạch chủ…;
- Tăng áp lực lên thành động mạch chủ;
- Tăng huyết áp;
- Giãn động mạch chủ;
- Van động mạch chủ một hoặc hai lá;
- Động mạch chủ bị giảm sức chịu tải;
- Tuổi già;
- Hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos;
- Thai nghén;
- Có các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch;
- Chấn thương;
- Mắc bệnh lý rối loạn mô liên kết bẩm sinh hoặc di truyền.
Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phình tách động mạch chủ
Siêu âm tim qua thực quản (TEE), chụp mạch CT (CTA) hoặc chụp mạch cộng hưởng từ (MRA)
Bất kỳ bệnh nhân nào bị đau ngực, đau lưng ngực, ngất không rõ nguyên nhân, đau bụng không rõ nguyên nhân, đột quỵ hoặc suy tim khởi phát cấp tính, đặc biệt khi mạch hoặc huyết áp ở các chi không bằng nhau đều phải nghĩ đến tình trạng phình tách động mạch chủ.
Chụp X-quang phổi
60 – 90% ghi nhận mở rộng bóng trung thất, có chỗ phình khu trú cho biết vị trí khởi phát. Thường gặp tràn dịch màng phổi trái.
Bệnh nhân bị đau ngực cấp tính, điện tâm đồ (ECG) thay đổi gợi ý nhồi máu cơ tim thành dưới cấp tính và tiếng thổi do suy động mạch chủ (AI) có thể do phình tách động mạch chủ type I lan vào động mạch vành phải (gây nhồi máu cơ tim thành dưới) và van động mạch chủ (gây ra AI).
Nếu X-quang ngực gợi ý phình tách, chỉ định TEE, CTA, hoặc MRA sau khi bệnh nhân ổn định.
TEE đa bình diện
Có độ nhạy 97 – 99% và với siêu âm tim chế độ M, độ đặc hiệu gần như 100%, có thể thực hiện tại giường trong < 20 phút và không cần chất cản quang. Tuy nhiên, CTA thường được chỉ định đầu tiên vì phổ biến và nhanh chóng hơn so với TEE. Độ nhạy của CTA thường > 95%.
MRA
Có độ nhạy và độ đặc hiệu gần 100% đối với phình tách động mạch chủ. Nhưng tốn nhiều thời gian và không thích hợp cho những trường hợp khẩn cấp. Phù hợp cho bệnh nhân ổn định bị đau ngực bán cấp hoặc mãn tính khi nghi ngờ phình tách.
Chụp động mạch chủ cản quang
Được chỉ định khi cân nhắc phẫu thuật. Ngoài khả năng xác định vị trí khởi phát và mức độ bóc tách, mức độ nghiêm trọng của hở van động mạch chủ và mức độ liên quan của các nhánh chính của động mạch chủ, chụp động mạch chủ giúp xác định xem có cần phẫu thuật bắc cầu động mạch vành đồng thời hay không.
Siêu âm tim
Để kiểm tra xem có hở van động mạch chủ hay không và xác định xem có cần đồng thời sửa hoặc thay thế van động mạch chủ hay không.
Điện tâm đồ (ECG)
Được thực hiện thường quy, tuy nhiên không hữu ích cho chẩn đoán phình tách.
Đo nồng độ creatine kinase-MB và troponin huyết thanh
Có thể giúp phân biệt bóc tách động mạch chủ với nhồi máu cơ tim, ngoại trừ trường hợp bóc tách gây nhồi máu cơ tim.
Các xét nghiệm có thể phát hiện tăng bạch cầu nhẹ và thiếu máu nếu máu bị rò rỉ từ động mạch chủ. Tăng lactate dehydrogenase (LDH) có thể là một dấu hiệu không đặc hiệu của tổn thương động mạch mạc treo ruột và động mạch thân tạng.
Phương pháp điều trị phình tách động mạch chủ hiệu quả
- Thuốc chẹn beta và thuốc kiểm soát huyết áp.
- Phẫu thuật (nội mạch hoặc sửa chữa hở).
Điều trị cho bệnh nhân tại phòng chăm sóc đặc biệt, theo dõi huyết áp xâm lấn và đặt ống thông niệu đạo để theo dõi lượng nước tiểu. Xác định nhóm máu và chuẩn bị 4 – 6 đơn vị hồng cầu khi có nhu cầu phẫu thuật. Đặt nội khí quản cho bệnh nhân không ổn định về huyết động.
Điều trị bằng thuốc
Chỉ định thuốc làm giảm áp lực động mạch, giảm áp lực lên động mạch, giảm co bóp tâm thất và giảm đau ngay lập tức để duy trì huyết áp tâm thu ≤ 110mmHg hoặc mức thấp nhất nhưng vẫn đủ áp lực máu tưới não, mạch vành và thận.
Thuốc chẹn beta thường là thuốc đầu tay để kiểm soát huyết áp.
- Metoprolol: 5mg IV tối đa 4 liều cách nhau 15 phút.
- Esmolol: 50 – 200 mcg/kg/phút truyền tĩnh mạch liên tục.
- Labetalol (thuốc chẹn alpha và beta-adrenergic): 1 – 2 mg/phút truyền tĩnh mạch hoặc 5 – 20 mg IV khởi đầu và bổ sung 20 – 40 mg sau 10 – 20 phút cho đến khi huyết áp được kiểm soát hoặc tổng liều đạt 300 mg. Sau đó, bổ sung 20 – 40 mg/lần mỗi 4 – 8 giờ nếu cần.
Thuốc chẹn kênh calci (CCB) là lựa chọn thay thế thuốc chẹn beta (BB).
- Verapamil: 0,05 – 0,1 mg/kg tiêm tĩnh mạch.
- Diltiazem: 0,25 mg/kg (tối đa 25 mg) tiêm tĩnh mạch hoặc truyền liên tục 5 – 10 mg/giờ.
Nếu huyết áp tâm thu vẫn > 110 mmHg mặc dù đã sử dụng thuốc chẹn beta, truyền tĩnh mạch liên tục nitroprusside với liều 0,2 – 0,3 mcg/kg/phút và tăng lên 200 – 300 mcg/phút khi cần thiết để kiểm soát huyết áp. Không nên chỉ định nitroprusside mà không có thuốc chẹn beta hoặc chẹn kênh calci vì hoạt hóa giao cảm phản xạ để đáp ứng với sự giãn mạch có thể làm tăng co bóp tâm thất và áp lực lên động mạch chủ, gây tổn thương nặng hơn.
Phẫu thuật ngoại khoa
Đối với động mạch chủ đi xuống, có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc khi phình tách ổn định, không biến chứng và giới hạn ở động mạch chủ đi xuống (type B).
Can thiệp nội mạch được chỉ định cho bệnh nhân có biến chứng (xuất huyết, tăng huyết áp dai dẳng, đau, đường kính động mạch chủ to ra nhanh chóng, phình tách lan rộng và dọa vỡ). Phẫu thuật phù hợp cho những trường hợp bóc tách đoạn xa cấp tính ở những bệnh nhân mắc hội chứng Marfan.
Đối với động mạch chủ đi lên, do nguy cơ biến chứng đe dọa tính mạng nên cần phẫu thuật hở để sửa chữa và thay thế, một số trường hợp nhất định cũng có thể dùng phương pháp nội mạch.
Mục tiêu của phẫu thuật là đóng vết rách và tái tạo lại động mạch chủ bằng mảnh ghép tổng hợp. Nếu có hiện tượng hở van động mạch chủ nặng phải được điều trị bằng cách nối lại các lá van hoặc thay van. Nếu được can thiệp sớm và tích cực, kết quả thường khả quan. Các yếu tố dễ gây ra biến chứng bao gồm: hạ huyết áp, suy thận, trên 70 tuổi, đau ngực khởi phát đột ngột, mất mạch và đoạn ST chênh lên trên ECG.
Các biến chứng của phẫu thuật bao gồm tử vong, đột quỵ (do tắc mạch), liệt nửa người (do thiếu máu cục bộ tủy sống), suy thận (đặc biệt nếu phình tách bao gồm động mạch thận) và endoleak (rò rỉ máu trở lại túi phình). Các biến chứng muộn bao gồm tái phát phình mạch, hình thành phình động mạch khu trú trong động mạch chủ bị suy yếu và hở van động mạch chủ tiến triển. Những biến chứng này có thể phải phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch.
Quản lý dài hạn
Tất cả bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật hoặc phương pháp nội mạch phải dùng thuốc hạ huyết áp lâu dài, bao gồm thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci và thuốc ức chế men chuyển (ACE). Có thể dùng thuốc đơn trị hoặc phối hợp, ngoại trừ thuốc có tác dụng giãn mạch chủ yếu (hydralazine, minoxidil) và thuốc chẹn beta cường giao cảm nội tại (acebutolol, pindolol).
Tránh các hoạt động thể chất gắng sức.
Chụp CT trước khi xuất viện, lặp lại sau 6 tháng và 1 năm, sau đó là 1 – 2 năm/lần.
Sau khi phẫu thuật, theo dõi động mạch chủ trong suốt phần đời còn lại của bệnh nhân. Động mạch chủ suy yếu có thể phát triển thoái hóa túi phình ở trên hoặc dưới vị trí đã phẫu thuật.
Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của phình tách động mạch chủ
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
- Ngưng hút thuốc lá và sử dụng bia rượu cũng như các loại đồ uống có cồn.
- Vận động điều độ, nhẹ nhàng và lựa chọn những môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khoẻ.
- Giữ cân nặng ở mức phù hợp, thực hiện chế độ ăn và vận động để giảm cân nếu bị béo phì.
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn ít muối và tránh các thực phẩm quá mặn.
- Tăng lượng trái cây và rau quả trong khẩu phần.
- Ăn chất béo lành mạnh, bao gồm: các sản phẩm sữa ít chất béo; các loại dầu lành mạnh như dầu ô liu và dầu hạt cải; quả hạch và quả bơ; và hạt lanh.
- Hạn chế thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa (bao gồm mỡ động vật, chất béo từ sữa, dầu ngô và cây rum).
- Giảm tiêu thụ thịt đỏ, đồ ngọt và đồ uống có thêm đường.
- Tập trung vào các nguồn protein lành mạnh, chẳng hạn như cá.
Phương pháp phòng ngừa phình tách động mạch chủ hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Kiểm soát huyết áp.
- Không hút thuốc, uống rượu bia.
- Kiểm soát lipid máu.
- Duy trì một trọng lượng phù hợp, giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
- Phòng ngừa các nguy cơ chấn thương ngực bụng bằng cách thắt dây an toàn khi lái xe giúp giảm nguy cơ chấn thương vùng ngực, mặc đồ bảo hộ khi tham gia các môn thể thao đối kháng.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên nếu nghi ngờ triệu chứng phình tách thành động mạch chủ.
Nguồn tham khảo
- https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/diseases-of-the-aorta-and-its-branches/aortic-dissection
- https://livingwithdissection.iradonline.org/lifestyle/
- http://bvdkquangnam.vn/index.php/ao-to-nckh/tp-san-y-hc/232-boc-tach-ng-mch-ch-va-ct-scan-chn-oan