Suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ thường là mãn tính hoặc tiến triển, dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức, ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy, định hướng, khả năng hiểu, tính toán,… Sự suy giảm chức năng nhận thức thường đi kèm, đôi khi xảy ra trước bởi những thay đổi về tâm trạng, khả năng kiểm soát cảm xúc lẫn hành vi hoặc động lực.

Tìm hiểu chung

Suy giảm trí nhớ là gì? 

Suy giảm trí nhớ hay còn gọi là chứng sa sút trí tuệ, đây không phải là một căn bệnh cụ thể mà là một thuật ngữ chung cho việc suy giảm khả năng ghi nhớ, suy nghĩ hoặc đưa ra các quyết định cản trở đến việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Mặc dù chứng sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi, nhưng nó đôi khi không liên quan đến quá trình lão hóa bình thường, nhiều người lớn tuổi sống cả đời mà không bị sa sút trí tuệ. Lão hóa bình thường có thể bao gồm suy yếu cơ và xương, cứng động mạch và mạch máu và một số thay đổi trí nhớ liên quan đến tuổi tác có thể biểu hiện như:

  • Đôi khi làm lạc mất chìa khóa;
  • Quên tên người quen;
  • Quên những sự việc xảy ra trong thời gian gần đây.

Thông thường, kiến ​​thức và kinh nghiệm được xây dựng qua nhiều năm, ký ức cũ và ngôn ngữ sẽ vẫn còn nguyên vẹn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ ảnh hưởng đến mỗi người theo một cách khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, tình trạng sức khỏe khác và chức năng nhận thức của người đó trước khi bị bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan có thể được hiểu theo ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu:

Thường bị người bệnh bỏ qua vì nó khởi phát từ từ, với các triệu chứng phổ biến có thể gồm:

  • Hay quên;
  • Quên mất thời gian;
  • Đi lạc ở cả những nơi quen thuộc.

Giai đoạn giữa:

Các dấu hiệu và triệu chứng dần trở nên rõ ràng hơn, chúng có thể bao gồm:

  • Trở nên quên các sự kiện xảy ra gần đây và quên tên của mọi người;
  • Nhầm lẫn khi ở nhà;
  • Ngày càng gặp khó khăn với giao tiếp;
  • Cần sự hỗ trợ khi làm vệ sinh cá nhân;
  • Thay đổi về hành vi, bao gồm việc đi lang thang và đặt câu hỏi lặp đi lặp lại.

Giai đoạn muộn:

Người bệnh gần như phải phụ thuộc vào người khác và không thể tự sinh hoạt, với các triệu chứng điển hình như là:

  • Không nhận thức được về thời gian và địa điểm;
  • Khó nhận ra người thân và bạn bè;
  • Ngày càng cần đến sự giúp đỡ của người thân trong những sinh hoạt thường ngày;
  • Gặp khó khăn khi đi bộ;
  • Thay đổi tính cách, thái độ (dễ bị kích động, hung hăng).

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh suy giảm trí nhớ 

Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân hầu như không thể đi lại, tự ăn, hoặc làm bất kỳ hoạt động nào khác của cuộc sống hàng ngày. Bệnh nhân có thể không nuốt được, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, viêm phổi (đặc biệt là do hít phải) và loét do tì đè. Cuối cùng, bệnh nhân có thể bị câm.

Suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối dẫn đến hôn mê và tử vong, thường là do nhiễm trùng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn kịp thời. Chẩn đoán và quyết định điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ có thể do các bệnh nguyên phát của não hoặc các bệnh lý khác. Các loại phổ biến nhất là:

  • Bệnh Alzheimer;
  • Sa sút trí tuệ mạch máu;
  • Sa sút trí tuệ thể Lewy;
  • Chứng mất trí nhớ não trước;
  • Sa sút trí tuệ (suy giảm trí nhớ) liên quan đến HIV.

Suy giảm trí nhớ cũng xảy ra ở những bệnh nhân bị bệnh Parkinson, bệnh Huntington, bệnh liệt trên nhân tiến triển, bệnh Creutzfeldt-Jakob, hội chứng Gerstmann-Sträussler-Scheinker, các rối loạn prion khác, giang mai thần kinh, chấn thương sọ não hoặc một số khối u não nhất định nằm trong các vùng não vỏ não hoặc dưới vỏ não liên quan đến nhận thức.

Ngoài ra, một số nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ có thể kể đến như:

  • Một số rối loạn cấu trúc não (ví dụ: Não úng thủy áp lực thường, tụ máu dưới màng cứng).
  • Rối loạn chuyển hóa (ví dụ: Suy giáp, thiếu vitamin B12).
  • Nhiễm độc tố (ví dụ: Chì) gây ra sự suy giảm nhận thức chậm nhưng có thể điều trị được.
  • Trầm cảm: Hai rối loạn thường cùng tồn tại. Tuy nhiên, trầm cảm có thể là biểu hiện đầu tiên của suy giảm trí nhớ.

Suy giảm trí nhớ do tuổi tác, đề cập đến những thay đổi trong nhận thức xảy ra với quá trình lão hóa.

Suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) gây mất trí nhớ nhiều hơn suy giảm trí nhớ do tuổi tác, có đến 50% bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ phát triển chứng sa sút trí tuệ trong vòng 3 năm.

Suy giảm nhận thức chủ quan (SCD) là một thuật ngữ tương đối mới, được định nghĩa là sự suy giảm liên tục về năng lực nhận thức nhưng hoạt động bình thường trong các bài kiểm tra nhận thức tiêu chuẩn được sử dụng để phân loại suy giảm nhận thức nhẹ. Nguy cơ mắc MCI và suy giảm trí nhớ tăng lên ở những người bị suy giảm nhận thức chủ quan.

Thuốc, đặc biệt là benzodiazepine và thuốc kháng cholinergic (ví dụ, một số thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc kháng histamine, thuốc chống loạn thần, benztropine), rượu (ngay cả khi dùng với lượng vừa phải) có thể tạm thời gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của suy giảm trí nhớ.

Cơ chế Prion dường như liên quan đến hầu hết hoặc tất cả các rối loạn thoái hóa thần kinh biểu hiện đầu tiên ở những bệnh nhân lớn tuổi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) suy giảm trí nhớ?

  • Người trên 65 tuổi.
  • Chấn thương sọ não: Các chấn thương ở đầu có thể làm tăng nguy cơ, đặc biệt nếu chúng nghiêm trọng hoặc xảy ra nhiều lần.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) suy giảm trí nhớ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy giảm trí nhớ, bao gồm:

  • Tuổi tác: Yếu tố nguy cơ lớn nhất được biết đến đối với chứng suy giảm trí nhớ là tuổi tác, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh thuộc độ tuổi từ 65 trở lên.
  • Tiền sử gia đình: Những ai có cha mẹ hoặc anh chị em mắc chứng suy giảm trí nhớ thì bản thân họ có nhiều khả năng suy giảm trí nhớ hơn.
  • Chủng tộc/ dân tộc: Người Mỹ gốc Phi lớn tuổi có nguy cơ cao hơn gấp đôi so với người da trắng. Người gốc Tây Ban Nha có nguy cơ cao hơn người da trắng 1,5 lần.
  • Sức khỏe tim mạch kém: Huyết áp cao, cholesterol cao và hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh nếu không được điều trị đúng cách.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy giảm trí nhớ

Phương pháp chẩn đoán:

  • Phân biệt sảng với suy giảm trí nhớ qua bệnh sử và khám thần kinh (bao gồm cả tình trạng tinh thần).
  • Xác định các nguyên nhân theo lâm sàng, bằng xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh thần kinh.
  • Trắc nghiệm thần kinh tâm lý đôi khi cũng được tiến hành.

Đánh giá chức năng nhận thức:

Khám lâm sàng hoặc Montreal Cognitive Assessment (MoCA) thường được sử dụng làm xét nghiệm sàng lọc tại giường. Trắc nghiệm sàng lọc tốt nhất đối với việc kiểm tra trí nhớ là trắc nghiệm kiểm tra trí nhớ ngắn hạn (như ghi nhớ 3 đồ vật và nhắc lại được 5 phút); bệnh nhân sa sút trí nhớ sẽ không hoàn thành được bài kiểm tra này.

Một trắc nghiệm khác về tình trạng tinh thần là đánh giá khả năng gọi tên nhiều đồ vật trong nhóm (như danh sách các con vật, cây cối, hoặc đồ đạc thường ngày), bệnh nhân bị sa sút trí tuệ phải rất cố gắng mới có thể gọi tên được một vài đồ vật; những người không bị sa sút trí tuệ dễ dàng nêu tên được nhiều đồ vật.

Trắc nghiệm thần kinh tâm lý có thể được thực hiện khi khai thác bệnh sử và trắc nghiệm đánh giá tình trạng tâm thần tại giường không khẳng định/chẩn đoán được bệnh.

Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm:

Các xét nghiệm gồm kiểm tra TSH và nồng độ vitamin B12. Xét nghiệm công thức máu và chức năng gan cho hiệu quả rất thấp.

Chẩn đoán hình ảnh thần kinh:

CLVT hoặc CHT nên được thực hiện trong lần đánh giá ban đầu hoặc sau bất kỳ thay đổi đột ngột về tình trạng nhận thức hoặc tinh thần. Chẩn đoán hình ảnh thần kinh có thể xác định những rối loạn về cấu trúc có khả năng điều trị được (như chứng tràn dịch não áp lực bình thường, tụ máu dưới màng cứng,…) và một số rối loạn chuyển hoá (như bệnh Wilson, bệnh Hallervorden-Spatz).

Đôi khi, thực hiện điện não đồ có thể hữu ích.

CLVT phát xạ photon đơn có thể giúp chẩn đoán phân biệt.

Các chất đánh dấu phóng xạ amyloid gắn đặc biệt lên các mảng beta-amyloid (ví dụ florbetapir, flutemetamol, florbetaben) đã được sử dụng trong chụp cắt lớp vi tính phát xạ positron (PET), hình ảnh xuất ra là các mảng amyloid ở bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ hoặc sa sút trí tuệ.

Phương pháp điều trị suy giảm trí nhớ hiệu quả

Việc dùng thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp được bác sỹ quyết định tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Các biện pháp đảm bảo an toàn (như đề phòng té ngã).

Tạo môi trường thích hợp cho người bệnh (như môi trường đủ ánh sáng, vui vẻ, quen thuộc); giảm tối đa kích thích mới;

Loại bỏ hoặc hạn chế thuốc có hoạt tính thần kinh trung ương, như các thuốc an thần và kháng cholinergic.

Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân suy giảm trí nhớ bao gồm:

  • Các chất ức chế cholinesterase: Donepezil, rivastigmine và galantamine, những thuốc này ức chế acetylcholinesterase, làm tăng nồng độ acetylcholine trong não.
  • Memantine có thể giúp chậm mất chức năng nhận thức ở những bệnh nhân bị sa sút trí tuệ mức độ trung bình và nặng, đồng thời có thể có tác dụng cộng hưởng khi sử dụng chung với chất ức chế cholinesterase.
  • Thuốc kiểm soát rối loạn hành vi (như thuốc chống loạn thần).
  • Bệnh nhân bị sa sút trí tuệ và có dấu hiệu trầm cảm được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm không chứa chất kháng cholinergic, các thuốc thuộc nhóm ức chế chọn lọc trên serotonin (SSRIs) thường được sử dụng.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy giảm trí nhớ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc tuân thủ điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế áp lực căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cảm thẩy những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, tiến triển của bệnh và để bác sĩ thay đổi hướng điều trị thích hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người thân cận, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đọc sách thư giãn hoặc làm bất cứ thứ gì khiến bệnh nhân cảm thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

Ăn các loại thực phẩm giúp tăng cường hoạt động trí não như: Cá hồi, cá mồi, quả bơ, óc chó, việt quất, nghệ (curcumin), bông cải xanh, bí ngô, cam, trà xanh, các loại ngũ cốc,…

Phương pháp phòng ngừa suy giảm trí nhớ hiệu quả

Tăng cường hoạt động thể chất, không hút thuốc, tránh sử dụng rượu bia, kiểm soát cân nặng, ăn uống lành mạnh và duy trì huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu.

Nguồn tham khảo

  1. https://www.cdc.gov/aging/dementia/index.html
  2. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dementia
  3. https://www.msdmanuals.com/
  4. https://www.vinmec.com/
error: Nội dung đã được bảo vệ !!
image chat

Xem trực tiếp XoilacTV hôm nay

jun88 789bet