Thoái hóa khớp-nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

THOÁI HÓA KHỚP LÀ GÌ?

Thoái hóa khớp là tình trạng sụn khớp – bộ phận có chức năng bảo vệ và giảm ma sát trong khớp bắt đầu bị bào mòn, phá vỡ cấu trúc. Ngoài ra, các mô xung quanh cũng có thể bị tổn thương, dịch nhầy bôi trơn tại khớp bị suy giảm, khiến các cử động tại đây trở nên khó khăn hơn.

Khớp bị thoái hóa là một dạng tổn thương thường gặp nhất, có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy có khoảng 30% người trên 35 tuổi bị thoái hóa khớp. Tỷ lệ này tăng lên 60% ở người trên 65 tuổi và 85% ở người trên 85 tuổi.

Các vị trí khớp dễ bị thoái hóa thường gặp là:

  • Thoái hóa khớp gối.
  • Thoái hóa khớp háng.
  • Thoái hóa khớp cổ tay, ngón tay.
  • Thoái hóa khớp vai.
  • Thoái hóa khớp cổ chân.
  • Thoái hóa đốt sống cổ và cột sống lưng.

BIỂU HIỆN

Khi khớp bị thoái hóa sẽ có những triệu chứng như:

  • Đau khớp: Ở giai đoạn nhẹ, tại khớp sẽ xuất hiện cơn đau âm ỉ trong hoặc sau khi vận động, sau đó biến mất nhanh chóng nên dễ khiến người bệnh chủ quan. Về lâu dài, khi sụn khớp bị tổn thương nghiêm trọng, cường độ đau sẽ dữ dội và kéo dài hơn, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
  • Cứng khớp: Khớp cứng không vận động được thường đi kèm đau nhức, xuất hiện chủ yếu vào buổi sáng khi người bệnh ngủ dậy hoặc sau một thời gian không vận động khớp.
  • Giảm khả năng vận động: Khi bị thoái hóa khớp, các hoạt động hằng ngày của người bệnh sẽ bị hạn chế. Chẳng hạn như, ở người thoái hóa khớp gối, việc đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang, ngồi xổm, co duỗi gối sẽ khó khăn hơn.
  • Khớp sưng tấy và nóng ran: Khớp sưng viêm, có cảm giác nóng ran khi vận động.
  • Xuất hiện tiếng kêu “răng rắc” khi vận động: Các đầu xương cọ xát vào nhau do lớp sụn khớp bị bào mòn sẽ tạo ra những âm thanh lộp cộp, răng rắc khi vận động.

CHẨN ĐOÁN

Những phương pháp chẩn đoán tình trạng thoái hóa ở các khớp có thể kể đến như:

  • Kiểm tra sức khỏe: Bác sĩ sẽ kiểm tra các khớp bị sưng, đau, đỏ, nóng hoặc gặp khó khăn khi cử động. Đồng thời xem xét bệnh sử của người bệnh.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, siêu âm khớp, chụp cộng hưởng từ (MRI), nội soi khớp có thể được chỉ định để chẩn đoán tình trạng thoái hóa khớp. Trong đó, chụp X-quang có thể phát hiện sự xuất hiện các gai xương, tình trạng mất sụn, hẹp khe khớp… Siêu âm giúp kiểm tra tình trạng tràn dịch khớp, mảnh sụn thoái hóa. Chụp MRI giúp bác sĩ quan sát tổng quan khớp và phát hiện những tổn thương ở sụn khớp. Còn nội soi khớp sẽ giúp quan sát được trực tiếp các tổn thương tại sụn khớp.
  • Kiểm tra dịch khớp: Tiến hành lấy một mẫu nhỏ chất lỏng trong khớp để xét nghiệm, nhằm phát hiện các bệnh lý về khớp.
  • Kiểm tra máu và nước tiểu: Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định bạn mắc loại viêm khớp nào hoặc loại trừ các bệnh lý khác là nguyên nhân gây ra các triệu chứng như đau khớp, cứng khớp…

CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ

Thoái hóa khớp có chữa được không là thắc mắc của không ít người. Tùy theo mức độ tổn thương khớp mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng đối tượng cụ thể như:

1. THUỐC TÂY

  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid: Loại thuốc phổ biến là Acetaminophen, Ibuprofen, Naproxen… Thuốc thường được dùng dưới dạng đường uống để giảm đau.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ: Thuốc có dạng kem bôi, thuốc mỡ hoặc gel. Được dùng để bôi trực tiếp lên vùng khớp bị đau. Nó giúp giảm đau và cứng khớp. Bác sĩ có thể chỉ định: Menthol, Salicylat…
  • Tiêm Corticosteroid tại khớp: Loại thuốc này gồm Methylprednisolone, Hydrocortison acetat… Loại thuốc này chứa cortisone giúp giảm đau tại vị trí khớp được tiêm. Tác dụng của loại thuốc này sẽ kéo dài trong khoảng 2 – 3 tháng. Sau đó, người bệnh có thể phải tiêm liều tiếp theo. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cân nhắc khi áp dụng phương pháp này vì sử dụng lâu dài sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương khớp.
  • Tiêm axit hyaluronic: Nó sẽ giúp bổ sung lượng dịch khớp thiếu hụt do quá trình thoái hóa. Từ đó giúp giảm đau, tăng khả năng vận động của khớp.
  • Thuốc kích thích tái tạo sụn

* Lưu ý: Các loại thuốc tây này giúp giảm nhanh triệu chứng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây tác dụng phụ, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, hệ tiêu hóa… Việc sử dụng thuốc chữa thoái hóa khớp cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để dùng.

2. SỬ DỤNG BÀI THUỐC DÂN GIAN

Các bài thuốc từ thảo dược được áp dụng nhiều bởi hiệu quả lâu dài và an toàn với sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh cần kiên trì sử dụng để thấy được kết quả rõ rệt.

  • Đắp lá lốt giúp giảm đau
  • Chườm ngải cứu sao nóng với muối để giảm sưng, đau tại khớp
  • Uống nước sắc rễ đinh lăng
  • Uống nước sắc rễ trinh nữ
  • Ngâm chân nước gừng, muối
  • Dùng hỗn hợp đu đủ xanh sắc cùng mễ nhân

3. VẬT LÝ TRỊ LIỆU

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị không xâm lấn đem lại những tác dụng nhất định. Nó giúp giảm đau, chống viêm, đem lại sự thư giãn cho người bệnh. Tùy từng tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp trị liệu khác nhau hoặc kết hợp nhiều phương pháp.

  • Chườm nóng: Sử dụng túi chườm, khăn ấm để chườm lên vùng bị đau do thoái hóa. Nó sẽ tăng cường lưu thông máu, giảm đau.
  • Xoa bóp bằng tay: Sử dụng bàn tay thực hiện các động tác tác động lên vùng bị thoái hóa.
  • Chiếu đèn hồng ngoại: Sử dụng hiệu ứng nhiệt của đèn hồng ngoại làm giãn mạch, tăng lưu thông máu, tăng chuyển hóa mô, giảm phù nề. Bên cạnh đó, nó cũng xoa dịu các đầu thụ cảm thần kinh có tác dụng giảm đau.
  • Điện xung trị liệu: Dùng dòng điện xung có tần số thấp, trung bình kích thích qua da để điều trị bệnh.
  • Sóng ngắn trị liệu: Sử dụng bước sóng từ 11 – 22m tác động vào vùng cần điều trị để làm giãn mạch, giảm viêm và giảm đau.

4. PHẪU THUẬT

Trường hợp các chỉ định điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, các khớp biến dạng nặng, không cử động được các bác sỹ sẽ tiến hành phẫu thuật.

  • Mổ nội soi khớp: Dạng phẫu thuật này giúp chữa trị các bề mặt khớp bị hư hỏng, các vết rách sụn.
  • Thay khớp: Loại bỏ khớp bị hư hỏng và thay thế bằng một khớp nhân tạo. Sau khi phẫu thuật người bệnh sẽ phải tập phục hồi chức năng.
  • Hợp nhất hai xương trên mỗi đầu của khớp: Được áp dụng khi khớp bị tổn thương nghiêm trọng, thay khớp không hiệu quả. Nó giúp việc hoạt động ổn định hơn.

CÁCH NGỪA BỆNH HIỆU QUẢ

Để phòng tránh khớp bị thoái hóa, mỗi người nên:

  • Thường xuyên tập luyện thể thao với cường độ vừa phải để tăng cường sự dẻo dai và sức khỏe xương khớp. Những môn thể thao mà người bị thoái hóa sụn khớp có thể luyện tập như yoga, đi bộ, bơi lội…
  • Đảm bảo tư thế đúng khi sinh hoạt, làm việc để tránh gây tổn thương cho hệ xương khớp.
  • Hạn chế mang vác nặng hoặc làm các động tác quá sức.
  • Kiểm soát cân nặng hợp lý sẽ giúp hạn chế trọng lượng cơ thể áp lực lên hệ thống dây chằng và xương khớp.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp như thực phẩm giàu canxi, glucosamine, chondroitin, omega-3, vitamin D, vitamin B…
  • Tránh chấn thương bằng cách khởi động kỹ lưỡng trước khi tham gia các hoạt động thể lực, mang giày vừa vặn, tập luyện trên bề mặt mềm. Nếu không may bị chấn thương, nên thăm khám sớm để điều trị kịp thời.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế bia rượu, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích. Ngoài ra, nên kiểm soát căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái.
  • Nên định kỳ tầm soát sức khỏe xương khớp để theo dõi và phát hiện các bất thường càng sớm càng tốt.

Thoái hóa khớp ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, tâm lý và chất lượng cuộc sống người bệnh. Chữa trị càng sớm, tỷ lệ hồi phục và ngăn chặn quá trình thoái hóa tiến triển càng cao. Vì vậy, đừng chủ quan; nếu cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường, nghi ngờ khớp bị thoái hóa nên thăm khám ngay.

NGUỒN THAM KHẢO: Tổng hợp

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
image chat