Ung thư hạch

Ung thư hạch là một nhóm các khối u ác tính của tế bào dòng lympho. Nó được phân thành hai nhóm lớn là ung thư hạch không Hodgkin và ung thư hạch Hodgkin. Các triệu chứng và dấu hiệu gợi ý ung thư hạch bao gồm sốt, đổ mồ hôi trộm, sụt cân không rõ nguyên nhân, nổi hạch và lách to.

Tìm hiểu chung

Ung thư hạch là gì?

Ung thư hạch là một thuật ngữ chung cho bệnh ung thư khởi đầu từ hệ thống bạch huyết.

Có hai nhóm Ung thư hạch: Ung thư hạch Hodgkin và ung thư hạch không Hodgkin. Từ hai nhóm này, các nhà nghiên cứu đã phân loại hơn 70 loại ung thư hạch. Ung thư hạch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong hệ thống bạch huyết, bao gồm:

  • Tủy xương;
  • Tuyến ức;
  • Lách;
  • Amidan;
  • Hạch bạch huyết.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư hạch

Ung thư hạch thường biểu hiện dưới dạng hạch không đau. Tuỳ vào nhóm ung thư hạch tiến triển nhanh hay chậm mà các triệu chứng sẽ thay đổi khác nhau, trong trường hợp nhóm ung thư hạch tiến triển nhanh thì sẽ xuất hiện tình trạng hạch to nhanh chóng và ngược lại. Ung thư hạch Hodgkin thường xuất hiện ở vị trí các hạch trên cơ hoành. Ung thư hạch không Hodgkin có thể bắt nguồn từ bất cứ đâu trong cơ thể, như từ đường tiêu hóa, da hoặc hệ thần kinh trung ương.

Ung thư hạch là gì? Những điều cần biết về Ung thư hạch 4
Ung thư hạch trưởng thành giai đoạn I

Ở những người bệnh đang tiến triển nặng có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân như sốt, sụt cân không rõ nguyên nhân và đổ mồ hôi trộm. U hạch di căn đến các vị trí ngoài hạch bằng cách xâm lấn trực tiếp hoặc di căn theo đường máu đến lách, gan, phổi hoặc tủy xương.

Một số trường hợp khẩn cấp của ung thư do sự xâm lấn của khối u ngày càng lớn sẽ xuất hiện các triệu chứng như hội chứng tĩnh mạch chủ trên, chèn ép tủy sống ngoài màng cứng ác tính hoặc tràn dịch màng ngoài tim ác tính. Các triệu chứng của hội chứng cận ung thường hiếm gặp, như thoái hóa tiểu não cận u trong ung thư hạch Hodgkin, viêm da cơ và viêm đa cơ ở ung thư hạch Hodgkin và không Hodgkin.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh ung thư hạch

Ung thư hạch xảy ra khi các tế bào bạch cầu dòng lympho tăng sinh ngoài tầm kiểm soát. Thông thường một tế bào lympho được sinh ra và tồn tại một thời gian với tuổi thọ khá ngắn, sau đó nó sẽ chết theo chương trình. Tuy nhiên, ở những người bị ung thư hạch, sự thay đổi DNA của các tế bào lympho khiến chúng không chết đi dẫn đến sự phát triển số lượng tế bào quá mức và lan rộng.

Mặc dù có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh ung thư hạch, tuy nhiên vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân gây ra sự thay đổi DNA này, và một số người thậm chí không có yếu tố nguy cơ vẫn mắc bệnh.

Nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ đối với ung thư hạch không Hodgkin

Các yếu tố nguy cơ đối với ung thư hạch không Hodgkin bao gồm:

  • Suy giảm miễn dịch: Điều này có thể là do suy giảm miễn dịch, ví dụ trong các trường hợp như bệnh HIV hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tạng.
  • Bệnh tự miễn: Một số người mắc bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp và bệnh celiac, có nguy cơ mắc ung thư hạch cao hơn.
  • Tuổi: Ung thư hạch thường gặp ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, cũng có một số phân nhóm ung thư hạch lại phổ biến hơn ở trẻ em và trẻ sơ sinh.
  • Giới tính: Nguy cơ mắc phải ung thư hạch không Hodgkin ở nam giới cao hơn ở nữ giới.
  • Chủng tộc: Người Mỹ da trắng có nhiều nguy cơ mắc phải ung thư hạch hơn người Mỹ gốc Phi hoặc người Mỹ gốc Á.
  • Nhiễm trùng: Những người đã từng bị nhiễm trùng như bệnh U lympho tế bào T/virus T-lymphotropic ở người (HTLV-1), Helicobacter pylori, viêm gan siêu vi C hoặc virus Epstein-Barr (EBV) có liên quan đến nguy cơ mắc ung hạch cao hơn.
  • Tiếp xúc với hóa chất và bức xạ: Những người tiếp xúc với hóa chất trong thuốc trừ sâu, phân bón và thuốc diệt cỏ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bức xạ hạt nhân cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư hạch không Hodgkin.
  • Trọng lượng cơ thể: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng béo phì có thể là một yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư hạch.
Ung thư hạch là gì? Những điều cần biết về Ung thư hạch 6
Viêm khớp dạng thấp là một yếu tố nguy cơ của ung thư hạch

Các yếu tố nguy cơ đối với ung thư hạch Hodgkin

Các yếu tố nguy cơ đối với ung thư hạch Hodgkin bao gồm:

  • Tuổi: Nhiều trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh trong độ tuổi từ 20 đến 30 và ở những người trên 55 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc ung thư hạch cao hơn ở nữ.
  • Tiền căn gia đình: Những người có anh chị em ruột mắc ung thư hạch sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng: Nhiễm trùng EBV có thể gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân, làm tăng nguy cơ ung thư hạch.
  • Suy giảm miễn dịch: Những người nhiễm HIV có nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch cao hơn.
Ung thư hạch là gì? Những điều cần biết về Ung thư hạch 8
Nhiễm trùng Epstein – Barr virus là một yếu tố nguy cơ ung thư hạch

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư hạch

Ung thư hạch được chẩn đoán bằng cách sinh thiết hạch, dựa trên hình thái học, hóa mô miễn dịch và tế bào dòng chảy. Mặc dù chọc hút bằng kim nhỏ và sinh thiết lõi kim thường là một phần của đánh giá ban đầu đối với bất kỳ bệnh lý hạch nào, nhưng cả hai phương pháp này đều không cung cấp đủ số lượng mô để chẩn đoán ung thư hạch vì cần phải xác minh ung thư hạch Hodgkin thông qua sự hiện diện của các tế bào Reed-Sternberg.

Phương pháp điều trị ung thư hạch

Thông thường, điều trị ung thư hạch cần có sự phối hợp bởi nhiều chuyên gia y tế, bao gồm:

  • Bác sĩ huyết học là bác sĩ chuyên về rối loạn máu, tủy xương và tế bào miễn dịch.
  • Bác sĩ ung bướu điều trị ung thư.
  • Các nhà nghiên cứu bệnh học có thể kết hợp với các bác sĩ này để hỗ trợ lập kế hoạch điều trị và xác định xem phương pháp điều trị cụ thể nào mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh.

Các phác đồ điều trị cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi và sức khỏe tổng thể của từng cá nhân, loại ung thư hạch mắc phải và giai đoạn của ung thư.

Các bác sĩ sẽ phân giai đoạn để cho thấy mức độ lan rộng của các tế bào ung thư. Ung thư ở giai đoạn 1 chỉ giới hạn ở một vài hạch bạch huyết, trong khi khối u ở giai đoạn 4 đã di căn sang các cơ quan khác, chẳng hạn như phổi hoặc tủy xương.

Các bác sĩ cũng phân loại ung thư hạch không Hodgkin theo tốc độ phát triển của chúng. Bao gồm:

  • Tăng trưởng chậm;
  • Tăng trưởng trung bình;
  • Tăng trưởng rất nhanh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư hạch

Chế độ sinh hoạt:

Điều quan trọng đối với người bệnh ung thư hạch là duy trì lối sống lành mạnh. Hoạt động thể chất thường xuyên để giúp cho hệ thống tim mạch khỏe mạnh và cơ bắp linh hoạt. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm bớt các vấn đề về hô hấp, táo bón và trầm cảm nhẹ. Nó cũng giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi. Bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn trước khi bắt đầu một thói quen tập thể dục.

  • Hoạt động thể chất chẳng hạn như bơi lội, khiêu vũ, làm việc nhà và làm vườn.
  • Tập thể dục để cải thiện sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ và đi xe đạp.
  • Rèn luyện sức mạnh cơ bắp, bảo vệ khớp và giúp khắc phục tình trạng loãng xương.
  • Các bài tập linh hoạt như duỗi cơ và yoga để cải thiện tầm vận động, cân bằng và ổn định.
Ung thư hạch là gì? Những điều cần biết về Ung thư hạch 7
Tập yoga giúp cải thiện chất lượng cuộc sống ở người bệnh ung thư hạch

Chế độ dinh dưỡng:

Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong và sau khi điều trị vì nó sẽ giúp duy trì sức khỏe và năng lượng cho cơ thể, chịu được các tác dụng phụ liên quan đến điều trị, giảm nguy cơ nhiễm trùng, chữa lành và hồi phục nhanh chóng hơn.

Nên có một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, protein (thịt gia cầm, cá và trứng) và ngũ cốc nguyên hạt. Trong quá trình hóa trị và sau khi cấy ghép tế bào gốc, nên tạm thời tránh các loại trái cây và rau sống có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do số lượng bạch cầu thấp (được gọi là “chế độ ăn giảm bạch cầu trung tính”). Các thực phẩm bổ sung trong chế độ ăn uống nên được tư vấn bởi bác sĩ, cũng như việc sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào, vì chúng có thể cản trở việc điều trị hoặc có tác dụng phụ không mong muốn.

Phương pháp phòng ngừa ung thư hạch

Một số yếu tố lối sống có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư hạch. Các yếu tố sau đây đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư và các bệnh khác:

  • Tránh các hoạt động làm tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS và viêm gan virus C;
  • Tránh tiếp xúc không cần thiết với bức xạ;
  • Bỏ hút thuốc lá;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Nguồn tham khảo

  1. https://www.healthline.com/health/lymphoma
  2. https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2020/0101/p34.html#treatment
error: Nội dung đã được bảo vệ !!
image chat