Vòm hầu nằm trên lối đi cho không khí đi từ mũi đến họng. Ung thư vòm hầu là một loại ung thư hiếm gặp ảnh hưởng đến phần cổ họng nối phía sau mũi với phía sau miệng (hầu). Về mặt giải phẫu, vòm hầu là một phần của cổ họng. Không nên nhầm lẫn với các loại ung thư khác cũng ảnh hưởng đến cổ họng, chẳng hạn như ung thư thanh quản và ung thư thực quản. Do đó, việc tầm soát và điều trị sớm là vô cùng cần thiết.
Tìm hiểu chung
Ung thư vòm hầu là gì?
Ung thư vòm hầu là một loại ung thư thuộc vào khu vực đầu cổ. Ung thư vòm hầu thường bắt đầu trong các tế bào vảy lót vòm họng. Ung thư phát triển và bắt đầu khi các tế bào phát triển mất trật tự vượt ngoài tầm kiểm soát.
Về cơ bản, ung thử vòm hầu được chia làm 5 giai đoạn chính:
Giai đoạn 0: Ở giai đoạn 0, các tế bào bất thường được tìm thấy trong niêm mạc vòm hầu. Chúng có thể trở thành ung thư và xâm lấn tới các mô lành gần đó. Giai đoạn 0 được xem là ung thư biểu mô tại chỗ.
Giai đoạn I: Ở giai đoạn I , ung thư đã hình thành và được tìm thấy trong vòm hầu hoặc đã lan từ vòm hầu đến hầu họng và/hoặc đến khoang mũi.
Giai đoạn II: Ung thư đã lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở một bên cổ và/hoặc đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở một hoặc cả hai bên phía sau cổ họng. Các tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết bị nhiễm virus Epstein-Barr (một loại vi-rút có liên quan đến ung thư vòm họng).
Giai đoạn III: Trong giai đoạn III, ung thư đã lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở cả hai bên cổ, khoang cạnh hầu và/hoặc các cơ gần đó. Ung thư có thể cũng đã lan đến xương ở đáy hộp sọ, xương ở cổ, cơ hàm và/hoặc các xoang quanh mũi và mắt.
Giai đoạn IV:
- Giai đoạn IVA: Ung thư đã lan đến não, các dây thần kinh sọ, hạ hầu, tuyến nước bọt ở phía trước tai, xương quanh mắt và/hoặc các mô mềm của hàm, một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở một hoặc cả hai bên cổ và/hoặc phía sau cổ họng, được tìm thấy ở phần thấp nhất của cổ.
- Giai đoạn IVB: Ung thư xâm lấn các hạch bạch huyết ở gần đó hoặc xa hơn, chẳng hạn như các hạch bạch huyết ở giữa phổi, bên dưới xương đòn, nách hoặc bẹn, hoặc gan.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vòm hầu
Ung thư vòm hầu có các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Xuất hiện các khối u bất thường ở cổ (đây là biểu hiện phổ biến nhất);
- Nhìn mờ hoặc nhìn đôi;
- Nhiễm trùng tai tái phát;
- Giảm thính lực (thường là giảm ở một bên tai);
- Ù tai (cảm nhận âm thanh từ phía trong cơ thể chứ không phải từ các nguồn âm thanh bên ngoài);
- Đau mặt hoặc tê;
- Đau đầu;
- Có cảm giác đầy tai;
- Khó mở miệng.
- Chảy máu cam;
- Nghẹt mũi.
- Đau cổ họng;
- Khàn giọng;
- Tê ở khu vực dưới cùng khuôn mặt;
- Nuốt khó khăn;
- Giảm cân ngoài ý muốn.
Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Ung thư vòm hầu khó nhận biết và phân biệt vì các triệu chứng không đặc hiệu và dễ nhầm với các tình trạng bệnh khác. Không những thế, nhiều người bị ung thư vòm hầu sinh hoạt rất bình thường, khoẻ mạnh và chỉ được phát hiện khi bệnh chuyển sang giai đoạn tiến triển.
Những dấu hiệu và triệu chứng kể trên có thể do ung thư vòm hầu hoặc các bệnh lý khác gây ra. Gặp và thăm khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số đó, đặc biệt nếu chúng không cải thiện sau 3 tuần.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến ung thư vòm hầu
Các nhà khoa học không chắc chắn chính xác nguyên nhận cụ thể gây ra ung thư vòm hầu. Tuy nhiên, bệnh ung thư vòm hầu có mối liên hệ chặt chẽ với virus Epstein-Barr (EBV).
Không phải ai nhiễm EBV cũng bị ung thư vòm hầu. Các nhà khoa học hiện vẫn cố tìm ra lời giải làm thế nào EBV dẫn đến ung thư vòm hầu, nhưng mọi giả thuyết đều dựa trên sự liên quan đến vật chất di truyền (DNA) của virus và tác động của nó đến DNA trong các tế bào của vòm hầu. Sự thay đổi DNA dẫn đến sự phân chia bất thường của tế bào, gây ra ung thư.
Nguy cơ
Những ai có nguy cơ mắc ung thư vòm hầu?
Ung thư vòm hầu phổ biến hơn nếu bạn có một trong các yếu tố sau:
- Là nam giới.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vòm họng, vòm hầu.
- Có một số gen liên quan đến sự phát triển ung thư.
- Đã tiếp xúc với EBV.
- Quần thể người Inuit ở Alaska, Bắc Phi và Canada.
- Người Hoa và người Hmong di cư đến sống ở Hoa Kỳ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm hầu
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm hầu, cụ thể:
- Ăn quá nhiều cá và thịt muối.
- Hút thuốc lá.
- Uống nhiều bia rượu.
- Làm việc trong môi trường khói bụi, mùn gỗ hoặc formaldehyde.
Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư vòm hầu
Để chẩn đoán và xác định ung thư vòm hầu, các thủ tục kiểm tra mũi, họng và các cơ quan lân cận được tiến hành, bao gồm:
Khám sức khỏe và tiền sử sức khỏe: Kiểm tra các dấu hiệu sức khỏe tổng quát, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu bệnh tật, chẳng hạn như sưng hạch bạch huyết ở cổ hoặc bất cứ điều gì khác có vẻ bất thường, lịch sử thói quen sức khỏe của bệnh nhân, các bệnh và phương pháp điều trị trong quá khứ.
Khám thần kinh: Một loạt các câu hỏi và bài kiểm tra để kiểm tra não, tủy sống và chức năng thần kinh được đưa ra. Bài kiểm tra giúp xác định trạng thái tinh thần, khả năng phối hợp và khả năng đi lại bình thường của một người cũng như phản xạ, mức độ hoạt động của các cơ, giác quan.
Sinh thiết: Việc loại bỏ các tế bào hoặc mô để một nhà nghiên cứu bệnh học có thể xem chúng dưới kính hiển vi để kiểm tra các dấu hiệu ung thư. Mẫu mô được lấy ra bằng thủ thuật soi mũi hoặc nội soi trên.
MRI (chụp cộng hưởng từ): Một kĩ thuật sử dụng nam châm, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra một loạt hình ảnh chi tiết về các khu vực bên trong cơ thể.
Chụp CT (CAT scan): Một kĩ thuật tạo ra một loạt hình ảnh chi tiết về các vùng bên trong cơ thể, chẳng hạn như ngực và bụng trên, được chụp từ các góc độ khác nhau.
PET scan (chụp cắt lớp): Là thủ thuật tìm kiếm các tế bào khối u ác tính trong cơ thể bằng cách tiêm đường phóng xạ qua tĩnh mạch.
Kiểm tra siêu âm: Một thủ thuật trong đó sóng âm thanh năng lượng cao (siêu âm) được dội lại từ các cơ quan trong bụng và tạo ra tiếng vang. Hình ảnh có thể được in ra để xem sau.
X-quang ngực: Chụp các cơ quan bên trong ngực bằng tia X (một loại chùm tia năng lượng có thể đi xuyên qua cơ thể và chiếu lên phim, tạo ra hình ảnh về các vùng bên trong cơ thể).
Nghiên cứu hóa học máu: Một quy trình trong đó mẫu máu được kiểm tra để đo lượng các chất nhất định được các cơ quan và mô trong cơ thể thải vào máu.
Công thức máu toàn bộ (CBC): Một quy trình trong đó một mẫu máu được lấy ra và kiểm tra số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, lượng huyết sắc tố (protein mang oxy) trong các tế bào hồng cầu, phần mẫu máu được tạo thành từ các tế bào hồng cầu.
Xét nghiệm xác định sự xuất hiện của virus Epstein-Barr (EBV): Trong máu của những bệnh nhân đã bị nhiễm EBV có các kháng thể đối với virus này và các dấu hiệu DNA của nó.
Xét nghiệm HPV: Xét nghiệm này được thực hiện vì ung thư vòm họng có thể do HPV gây ra.
Kiểm tra thính giác: Kiểm tra khả năng nghe âm thanh nhỏ và to, âm thanh có âm vực thấp và cao. Mỗi tai được kiểm tra riêng.
Phương pháp điều trị ung thư vòm hầu hiệu quả
Có nhiều phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư vòm hầu. Một số là tiêu chuẩn đã và đang được sử dụng, một số vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng. Hiện nay có ba loại điều trị tiêu chuẩn đang được áp dụng:
Xạ trị: Dùng bức xạ hoặc tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển. Có hai loại xạ trị là xạ trị bên ngoài (sử dụng một máy bên ngoài cơ thể để gửi bức xạ tới khu vực cơ thể bị ung thư) và xạ trị bên trong (sử dụng ống thông chứa chất phóng xạ được đặt trực tiếp vào hoặc gần ung thư). Cách thức xạ trị có thể tuỳ chỉnh dựa theo loại và giai đoạn ung thư.
Hóa trị: Sử dụng thuốc để giết chết tế bào hoặc ngăn chặn ung thư khi chúng phân chia. Phương pháp này cũng có thể dùng sau xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Phẫu thuật: Là một thủ thuật loại bỏ ung thư khỏi cơ thể hoặc để sửa chữa một bộ phận cơ thể. Phẫu thuật đôi khi được sử dụng cho ung thư vòm hầu không đáp ứng với xạ trị. Các hạch bạch huyết và các mô khác ở cổ cũng có thể bị cắt bỏ nếu ung thư đã xâm lấn đến.
Ngoài ra, cũng có thể sử dụng thuốc sinh học (ảnh hưởng đến các hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn chống lại bệnh tật, bao gồm các kháng thể đơn dòng như cetuximab, pembrolizumab và nivolumab), điều trị giảm nhẹ là kiểm soát các triệu chứng liên quan đến ung thư hoặc có thể cân nhắc tham gia thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm những cách mới để điều trị ung thư.
Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư vòm hầu
Chế độ sinh hoạt:
- Hạn chế stress, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan.
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị, cần liên hệ ngay với bác sĩ.
- Ngủ nghỉ đúng giờ, hạn chế thức khuya.
- Vận động vừa sức, hạn chế nằm lì một chỗ.
- Sau khi quá trình điều trị kết thúc, bạn sẽ cần có các cuộc hẹn tái khám và chụp chiếu thường xuyên để theo dõi quá trình hồi phục của mình và kiểm tra xem có bất kỳ dấu hiệu nào của ung thư tái phát hay không.
Chế độ dinh dưỡng: Duy trì một chế độ ăn khoa học và đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Phương pháp phòng ngừa ung thư vòm hầu hiệu quả
Nhiều trường hợp ung thư vòm hầu không thể ngăn ngừa được, nhưng thực hiện điều chỉnh một số thói quen như sau có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vòm hầu:
- Tránh ăn quá nhiều cá và thịt ướp muối.
- Không hút thuốc.
- Không uống nhiều rượu.
Ngoài ra việc giữ cho tinh thần lạc quan, thoải mái cũng góp sức rất nhiều trong ngăn ngừa bệnh tật. Ung thư vòm hầu là một căn bệnh không thể xem thường, hãy thăm khám thường xuyên và báo cho cơ bác sĩ nếu có bất kì điều gì khác thường.
Nguồn tham khảo
https://www.cancer.gov/types/head-and-neck/patient/adult/nasopharyngeal-treatment-pdq
https://www.nhs.uk/conditions/nasopharyngeal-cancer/
https://www.cancer.org/cancer/types/nasopharyngeal-cancer/about/what-is-nasopharyngeal-cancer.html
https://www.webmd.com/cancer/nasopharyngeal-cancer