Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau, cứng các khớp, gây khó khăn trong vận động. Các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiện tại có thể giảm thiểu các triệu chứng trên khớp cũng như ngăn ngừa, làm chậm sự tiến triển của tổn thương và biến dạng khớp. Việc điều trị sớm sẽ cho kết quả lâu dài tốt hơn và giảm nguy cơ phải thay khớp.
Tìm hiểu chung
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (RA) là dạng viêm khớp tự miễn phổ biến nhất. Bệnh gây đau, cứng khớp, giảm chuyển động của khớp và gây sưng. Nơi thường bị tổn thương nhất là cổ tay cũng như các khớp nhỏ của bàn tay, bàn chân, cũng có thể ảnh hưởng đến vai và đầu gối.
Các khớp thường bị cứng nặng nhất vào buổi sáng, có thể kéo dài 1 – 2 giờ, thậm chí là cả ngày. Chuyển động khớp nhẹ nhàng, chậm rãi có thể giúp cải thiện tình trạng này.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
Cứng khớp trong một thời gian dài vào buổi sáng là biểu hiện đặc trưng của viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, còn có thể có các triệu chứng sau:
- Đau nhức, sưng ở nhiều khớp và thường bị đối xứng ở cả 2 bên cơ thể.
- Mất năng lượng, mệt mỏi, yếu.
- Sốt nhẹ.
- Giảm ngon miệng.
- Giảm cân.
- Dưới da xuất hiện các nốt thấp khớp, cứng, mọc ở những vị trí như khuỷu tay và bàn tay.
Tác động của viêm khớp dạng thấp đối với sức khỏe
Viêm khớp dạng thấp gây đau, sưng, thậm chí là biến dạng các khớp, làm giảm khả năng vận động bình thường của bệnh nhân.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp
Nếu tình trạng viêm nhiễm diễn ra trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho khớp không thể phục hồi, có thể phải thay khớp.
Viêm khớp dạng thấp cũng có thể ảnh hưởng đến các mô khác trên cơ thể và gây ra các biến chứng ở phổi, tim, mắt và làm tăng nguy cơ bị loãng xương, nhiễm trùng…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, nguyên nhân chính xác chưa xác định được. Khi đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, dẫn đến việc tấn công nhầm mô khỏe mạnh thay vì các tác nhân gây bệnh khác, từ đó gây viêm, sưng và đau nhức các khớp.
Nguy cơ
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp dạng thấp?
Những người có các thành viên trong gia đình cũng bị viêm khớp dạng thấp.
Người hút thuốc lá, béo phì.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp, bao gồm:
- Di truyền.
- Giới tính: Thống kê cho thấy khoảng 75% người mắc viêm khớp dạng thấp là phụ nữ.
- Tuổi tác: Thường xuất hiện ở độ tuổi 30 – 50 tuổi.
- Hút thuốc lá, bị béo phì làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp.
Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Xét nghiệm máu để tìm các kháng thể kháng CCP đặc trưng của viêm khớp dạng thấp, các dấu hiệu gợi ý viêm và xem có tình trạng thiếu máu hay tăng tốc độ lắng hồng cầu không.
Kiểm tra các khớp và cơ quan bằng chẩn đoán hình ảnh (chụp X quang, MRI, siêu âm).
Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả
Không có cách chữa trị duy nhất nào hiệu quả cho tất cả bệnh nhân. Mục tiêu điều trị là cải thiện tình trạng đau, sưng khớp và giúp bệnh nhân thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách bình thường. Bắt đầu dùng thuốc càng sớm càng tốt giúp ngăn ngừa các khớp khỏi tổn thương lâu dài hoặc có thể vĩnh viễn. Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.
- Nên bắt đầu điều trị bằng thuốc chống thấp khớp cổ điển (DMARD): Methotrexate, leflunomide, hydroxychloroquine, sulfasalazine. Các thuốc này có tác dụng cải thiện đáng kể các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của tổn thương khớp.
- Bác sĩ thường sẽ kê đơn DMARD với NSAID và/hoặc corticosteroid liều thấp để giảm sưng và đau.
- Ở bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng, thường dùng methotrexate kết hợp với những loại thuốc kháng thể đơn dòng hoặc công nghệ sinh học: Abatacept, etanercept, anakinra, saril, adalimumab, certolizumab, golimumab, infliximab, rituximab, tocilizumab. Sự phối hợp này giúp ngăn chặn các tín hiệu hóa học của hệ thống miễn dịch dẫn đến viêm và tổn thương khớp/mô.
- Ở bệnh nhân không thể đơn trị bằng methotrexate, có thể thay thế bằng thuốc ức chế janus kinase (JAK): Tofacitinib, baracitinib.
Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cần tập các bài tập trị liệu theo chỉ dẫn của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh và tác dụng phụ của thuốc. Nếu các biện pháp này vẫn không hiệu quả, có thể cần phải phẫu thuật:
- Phẫu thuật cắt bao hoạt dịch ở khớp bị tổn thương.
- Phẫu thuật sửa lại các gân bị bong hoặc đứt do ảnh hưởng của viêm khớp.
- Phẫu thuật thay khớp.
Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp dạng thấp
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Có thể chườm nóng để thư giãn các cơ bị căng, đau; chườm lạnh để giảm sưng, đau khớp.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
- Tập thể dục thường xuyên (đi bộ, aerobic cường độ thấp, các bài tập tăng sức mạnh cơ bắp) sẽ cải thiện sức khỏe và giúp giảm áp lực lên các khớp. Tuy nhiên, những khi bị đau, cứng khớp thì cần nghỉ ngơi và chỉ tập các bài tập nhẹ nhàng (vươn vai…)
Chế độ dinh dưỡng:
- Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung dầu cá, dầu thực vật (hạt của hoa anh thảo, cây lưu ly) giúp giảm đau, cứng khớp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
Phương pháp phòng ngừa viêm khớp dạng thấp hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Thường xuyên vận động (tập thể dục 150 phút/tuần, ví dụ như đi bộ, đạp xe, bơi lội 30 phút/ngày x 5 ngày/tuần).
- Bỏ thuốc lá sẽ giảm nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp.
- Duy trì cân nặng hợp lý để không bị béo phì.
Nguồn tham khảo
- https://www.rheumatology.org/I-Am-A/Patient-Caregiver/Diseases-Conditions/Rheumatoid-Arthritis
- https://www.cdc.gov/arthritis/basics/rheumatoid-arthritis.html
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rheumatoid-arthritis/symptoms-causes/syc-20353648
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4924-rheumatoid-arthritis
- https://www.healthline.com/health/rheumatoid-arthritis