Viêm khớp là một trong những loại rối loạn phổ biến nhất mà người lớn tuổi gặp phải, với ước tính cho biết có tới 67 triệu người có thể mắc một số dạng viêm khớp vào năm 2025. Viêm khớp có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể và trong đó có cột sống. Viêm khớp cột sống còn hay được gọi là viêm khớp đốt sống có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào dọc theo cột sống nhưng lưng dưới và cổ thường bị ảnh hưởng hơn cả.
Tìm hiểu chung
Viêm khớp đốt sống là gì?
Viêm khớp cột sống hay viêm khớp đốt sống đề cập đến tình trạng viêm ở các khớp tạo nên cột sống. Viêm đôi khi có thể ảnh hưởng đến dây chằng và các cấu trúc cơ xung quanh. Đau và cứng khớp là triệu chứng phổ biến trong viêm khớp đốt sống. Nguyên nhân của bệnh này có thể liên quan đến sự hao mòn – thoái hóa, rối loạn tự miễn, nhiễm trùng và các tình trạng khác. Nếu bạn được chẩn đoán bị viêm khớp cột sống, thì loại viêm khớp mà bạn mắc phải và mức độ ảnh hưởng của nó đối với cột sống là chìa khóa cho các chỉ định điều trị.
Những triệu chứng của viêm khớp đốt sống
Các triệu chứng của viêm khớp đốt sống hay viêm khớp cột sống có thể khác nhau từ người này sang người khác. Nói chung, chúng có thể bao gồm:
Đau các khớp cột sống: Đau lưng và cổ, đặc biệt là ở lưng dưới. Mặc dù đau lưng là triệu chứng phổ biến nhưng không phải ai cũng mắc phải, kể cả những người bị viêm khớp cột sống giai đoạn nặng. Mặt khác, một số người có thể bị đau ngay cả trước khi viêm khớp có thể được nhìn thấy trên X-quang. Đau đầu cũng thường gặp ở những bệnh nhân viêm cột sống cổ.
Cứng khớp buổi sáng: Theo thời gian, viêm khớp làm mòn sụn, viêm các mô gây cứng và mất tính linh hoạt ở cột sống, chẳng hạn như không thể duỗi thẳng lưng hoặc xoay cổ.
Tê: Tê lan cánh tay hoặc chân có thể xảy ra khi viêm khớp cột sống có chèn ép đến các rễ thần kinh.
Biến dạng cột sống thắt lưng: Khi viêm khớp đốt sống diễn tiến nặng có thể gây biến dạng cột sống tức mất đường cong sinh lý của cột sống.
Lạo xạo khi cử động: Cảm giác lạo xạo hoặc tiếng xương cọ xát vào xương khi khớp cử động, đặc biệt thường xuất hiện khi viêm khớp cột sống ở cổ.
Triệu chứng toàn thân: Người bệnh viêm khớp cột sống có thể xuất hiện tình trạng sốt nhẹ, mệt mỏi,… là những triệu chứng chung của toàn thân khi cơ thể có bệnh lý viêm.
Tác động của viêm khớp đốt sống đối với sức khỏe
Viêm khớp cột sống không chỉ là bệnh lý tại khớp cột sống mà còn liên quan đến một số bệnh lý toàn thân khác. Viêm khớp cột sống gây đau đớn cho người mắc bệnh và ảnh hưởng đến khả năng lao động của họ. Về lâu dài, viêm khớp cột sống có thể gây biến dạng cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người mắc bệnh.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm khớp đốt sống
Biến dạng khớp là một biến chứng thường gặp trong bệnh viêm khớp đốt sống. Nguyên nhân biến dạng khớp là do sự phì đại xương, tổn thương các thành phần xung quanh. Các xương bị tổn thương cũng có thể hình thành cầu nối dẫn đến dính xương.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Do có nhiều triệu chứng liên quan đến viêm khớp cột sống, có thể cần chẩn đoán chính xác thông qua khám thực thể và chẩn đoán hình ảnh. Vì thế nếu bạn hoặc ai đó mà bạn biết tin rằng họ đang bị viêm khớp cột sống, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết về bệnh tình của mình.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây viêm khớp đốt sống
Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp đốt sống khác nhau. Trong số đó có thể kể đến một số nguyên nhân sau:
Thoái hóa khớp: Viêm khớp cột sống do thoái hóa là dạng viêm khớp cột sống phổ biến nhất. Nó thường ảnh hưởng đến lưng dưới và gây ra bởi sự hao mòn sụn giữa các khớp gây kích ứng và đau. Bởi vì sự tổn thương này một chấn thương cơ học nên triệu chứng đau thường rõ ràng hơn khi bạn cúi hoặc vặn lưng. Chấn thương lưng xảy ra trong quá khứ cũng có thể góp phần làm khởi phát bệnh thoái hóa khớp cột sống. Thoái hóa đĩa đệm trong một số trường hợp hiếm gặp có thể góp phần gây viêm khớp cột sống. Khi các đĩa đệm trở nên mỏng, áp lực lớn hơn sẽ tác động lên các mặt khớp, gây ra tổn thương.
Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp cột sống không phải do hao mà là một dạng viêm khớp liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Ngay cả khi các khớp này không được sử dụng, nó có thể gây đau. Mặc dù viêm khớp dạng thấp phổ biến hơn ở các khớp khác, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến cột sống cổ và phổ biến ở nữ hơn nam.
Viêm cột sống dính khớp: Viêm cột sống dính khớp là một tập hợp các bệnh viêm nhiễm ảnh hưởng đến cả khớp và các điểm bám của dây chằng và gân vào xương. Mặc dù viêm cột sống dính khớp có bản chất là viêm, nhưng nó khác với viêm khớp dạng thấp. Trong những tình huống nghiêm trọng, một số đốt sống có thể hợp nhất với nhau, dẫn đến lưng bị gù.
Viêm khớp vảy nến: Một biến chứng của bệnh vảy nến, viêm khớp vảy nến là một bệnh viêm nhiễm. Bệnh vảy nến thường phát triển trước viêm khớp, tuy nhiên trật tự đôi khi có thể bị đảo ngược. Mặc dù phổ biến hơn ở các khớp nhỏ hơn, viêm khớp vảy nến cũng có thể ảnh hưởng đến cột sống.
Viêm khớp phản ứng: Loại viêm khớp này là viêm khớp do nhiễm trùng ở những nơi khác trong cơ thể. Viêm khớp phản ứng ở cột sống thường ảnh hưởng đến lưng dưới và thường tự khỏi.
Nguy cơ
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp đốt sống?
Những đối tượng có nguy cơ viêm khớp đốt sống bao gồm:
- Thừa cân, béo phì;
- Ngồi làm việc quá lâu ở một tư thế;
- Sự hiện diện của một số bệnh như tiểu đường, bệnh gút, bệnh vảy nến, bệnh lao, hội chứng ruột kích thích và bệnh Lyme.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp đốt sống
Một số yếu tố nguy cơ sau liên quan đến viêm khớp cột sống bao gồm:
Chấn thương: Tổn thương xương cột sống sau tai nạn, té ngã tăng nguy cơ viêm khớp cột sống.
Hút thuốc: Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn.
Tuổi tác: Những người có tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ viêm khớp cột sống do thoái hóa.
Giới tính: Một số loại viêm khớp phổ biến ở phụ nữ như lupus ban đỏ.
Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp đốt sống
Bác sĩ của bạn có thể sử dụng một số hoặc tất cả các phương pháp chẩn đoán sau đây để xác nhận viêm khớp đốt sống:
- Hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng là bước thiết yếu không thể bỏ qua.
- Xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu di truyền và/hoặc kháng thể RA.
- Chụp X-quang cột sống để xác định vị trí khớp bị viêm.
- Chụp cộng hưởng từ, chụp CT, chụp tủy, quét xương và/hoặc siêu âm để xác định tổn thương, phát hiện tổn thương dây thần kinh và tủy sống hoặc loại trừ các nguyên nhân khác.
Phương pháp điều trị viêm khớp đốt sống hiệu quả
Có rất nhiều phương pháp điều trị viêm khớp cột sống khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh. Nhìn chung, nguyên lý điều trị là khắc phục triệu chứng đau và phục hồi vận động. Có rất nhiều phương pháp đơn giản, dễ tiếp cận, đem lại hiệu quả cao khi kết hợp trong điều trị. Cụ thể như sau:
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp cải thiện sức mạnh cơ lưng và phạm vi chuyển động ở cột sống.
Đeo đai lưng
Sử dụng đai lưng giúp cố định cột sống tương đối trong giai đoạn cấp giúp giảm triệu chứng đau lưng và giảm gánh nặng lên các cơ xung quanh.
Chườm lạnh hoặc chườm nóng
Đối với tình trạng viêm nghiêm trọng, trong vài ngày đầu chườm đá có thể ngăn máu lưu thông và giảm sưng tấy, mẩn đỏ. Trong khi đó, chườm nóng có thể làm ấm và nới lỏng các cơ trước khi vận động.
Sử dụng các phương pháp y học cổ truyền
Một số nghiên cứu cho thấy rằng nghệ, gừng, bạc hà, ngải cứu,… có thể có đặc tính chống viêm mạnh giúp giảm đau do viêm khớp. Bạn cần đến khám tại cơ sở y học cổ truyền uy tín để được điều trị tốt nhất.
Sử dụng thuốc Tây
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) và corticosteroid (thuốc viên hoặc thuốc tiêm) thường dùng để giảm đau và sưng. Ngoài ra, còn có các loại thuốc khác nhắm vào các triệu chứng cụ thể hoặc tác nhân gây viêm khớp.
Phẫu thuật khớp cột sống
Phẫu thuật có thể được khuyến nghị cho bệnh viêm khớp cột sống nếu các phương pháp điều trị khác không đủ giảm đau. Các mục tiêu của phẫu thuật có thể bao gồm:
- Giải nén tủy sống và giải phóng rễ thần kinh khỏi gai xương và các mô khác có thể đè lên chúng.
- Ổn định cột sống bằng cách hợp nhất một số đoạn với nhau trong một quy trình gọi là hợp nhất cột sống.
Những ca phẫu thuật này có thể được thực hiện dưới dạng mổ hở hoặc với phương pháp xâm lấn tối thiểu như nội soi.
Có những ưu và nhược điểm đối với từng phương pháp kể trên là điều dễ hiểu. Bác sĩ phẫu thuật sẽ xem xét và thảo luận về các lựa chọn trước khi quyết định loại phẫu thuật phù hợp với bạn.
Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp đốt sống
Chế độ sinh hoạt:
- Thay đổi lối sống để giảm viêm hoặc căng thẳng cho cột sống.
- Giảm cân.
- Bỏ hút thuốc.
- Thay đổi tư thế làm việc tránh tổn thương cột sống.
Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống lành mạnh, đa dạng các loại thực phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh và nâng cao sức đề kháng của cơ thể trước những tác động xấu đến từ môi trường.
Phương pháp phòng ngừa viêm khớp đốt sống hiệu quả
Các phương pháp giúp ngừa viêm khớp cột sống hay viêm khớp đốt sống hiệu quả bao gồm:
- Xây dựng chế ăn giàu vitamin D và canxi, giàu chất chống oxy hóa,…
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Tránh các động tác sai lệch khớp cột sống.
- Tập luyện thể dục thể thao tăng cường sức dẻo dai cho cơ cạnh cột sống.
Nguồn tham khảo
- https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/spinal-arthritis