Viêm nội mạc tử cung là tình trạng viêm của niêm mạc tử cung thường do nhiễm trùng. Viêm nội mạc tử cung không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể gây ra các biến chứng như nguy cơ vô sinh, quan trọng là phải điều trị càng sớm càng tốt.
Tìm hiểu chung
Viêm nội mạc tử cung là bệnh lý gì?
Tử cung thường vô trùng, tuy nhiên vi khuẩn có thể di chuyển từ cổ tử cung và âm đạo vào trong tử cung gây viêm và nhiễm trùng. Là tình trạng viêm niêm mạc tử cung (lớp lót bên trong tử cung) do nhiễm trùng. Có thể liên quan hoặc không liên quan đến thai kỳ:
- Viêm nội mạc tử cung sau sinh: Là bệnh nhiễm trùng sau sinh phổ biến nhất.
- Viêm nội mạc tử cung cấp tính không liên quan đến thai kỳ: Có thể xảy ra sau khi sinh hoặc sảy thai hoặc sau phẫu thuật cổ tử cung hay tử cung.
- Viêm nội mạc tử cung mãn tính (CE): Là một viêm nội mạc tử cung nhẹ, liên tục và kéo dài. Phổ biến hơn sau khi mãn kinh hoặc khi bị nhiễm Mycobacteria lao.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm nội mạc tử cung
Triệu chứng của viêm nội mạc tử cung bao gồm:
- Sốt, khó chịu;
- Đau bụng dưới hoặc đau vùng chậu;
- Đau khi quan hệ tình dục;
- Âm đạo chảy máu hoặc tiết dịch bất thường;
- Đau và chướng bụng;
- Táo bón hoặc đau khi đi đại tiện.
Thường không có triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu như khó chịu ở vùng chậu, ra máu và ra huyết trắng.
Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm nội mạc tử cung
Viêm nội mạc tử cung không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng nghiêm trọng. Một số biến chứng bao gồm:
- Vô sinh;
- Nhiễm trùng vùng chậu;
- Áp xe vùng chậu hoặc tử cung;
- Nhiễm trùng máu;
- Sốc nhiễm trùng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào kể trên, đặc biệt nếu các triệu chứng xảy ra sau khi sinh con, phá thai, đặt vòng tránh thai, sẩy thai hoặc bất kỳ phẫu thuật nào liên quan đến tử cung. Bạn cần được chẩn đoán và điều trị sớm để giảm nguy cơ diễn tiến nặng của bệnh cũng như hạn chế các biến chứng của bệnh.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến viêm nội mạc tử cung
Viêm nội mạc tử cung sau sinh
Trong quá trình sinh đẻ, khi cổ tử cung giãn ra và màng bào thai vỡ ra là cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào khoang tử cung. Nguy cơ này càng tăng cao hơn khi sử dụng dụng cụ và đưa vật lạ vào khoang tử cung. Vi khuẩn có khả năng xâm chiếm mô tử cung đã bị hoại tử, chảy máu hoặc bị tổn thương (như trong khi sinh mổ). Những loại vi khuẩn bao gồm cả vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí. Một số loại phổ biến như:
- Cầu khuẩn gram dương: Streptococcus chủ yếu nhóm B, Staphylococcus.
- Trực khuẩn gram âm: E. Coli, Klebsiella, Proteus.
- Vi khuẩn kỵ khí: Bacteroides, Peptococcus.
Viêm nội mạc tử cung cấp và mãn tính không liên quan đến thai kỳ
Bệnh thường do:
- Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) chẳng hạn như nhiễm khuẩn Chlamydia, lậu,…
- Viêm âm đạo do vi khuẩn như Gardnerella vagis.
- Trải qua các thủ thuật vùng chậu thực hiện qua cổ tử cung như sinh thiết nội mạc tử cung, nội soi tử cung và cấy vòng tránh thai cũng làm viêm nội mạc tử cung.
Bệnh cũng được cho là một bệnh nhiễm trùng đa vi khuẩn. Các vi sinh vật gây bệnh bao gồm Streptococcus, Enterococcus, E. Coli, Klebsiella, Staphylococcus, Mycoplasma, Ureaplasma, Gardnerella, Pseudomonas và nấm men (bao gồm Candida và Saccharomyces). Ngoài ra, lao sinh dục có thể dẫn đến viêm nội mạc tử cung dạng u hạt mãn tính.
Nguy cơ
Những ai có nguy cơ mắc viêm nội mạc tử cung?
Bất kỳ người phụ nữ nào cũng đều có thể bị, là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất sau sinh. Sinh mổ làm tăng nguy cơ viêm nội mạc tử cung sau sinh hơn so với sinh thường qua đường âm đạo.
Thường gặp ở những người mắc bệnh viêm vùng chậu (PID). Thường ảnh hưởng nhất đến người trẻ tuổi và thanh thiếu niên, từ 15 đến 29 tuổi:
- Nhiều bạn tình.
- Biện pháp tránh thai không rào cản (ví dụ, thuốc tránh thai đường uống, vòng tránh thai).
- Đặt vòng tránh thai gần đây.
- Tiền căn mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm nội mạc tử cung
Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bao gồm:
- Sinh mổ (yếu tố nguy cơ quan trọng nhất).
- Nhiễm trùng/sự xâm nhập của vi khuẩn trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, bao gồm nhiễm trùng ối trong khi chuyển dạ (còn gọi là viêm màng ối), dịch ối có phân su, viêm âm đạo do vi khuẩn, liên cầu nhóm B (GBS) và STI.
- Vỡ ối kéo dài và/hoặc chuyển dạ kéo dài.
- Đưa dị vật vào tử cung, bao gồm khám cổ tử cung nhiều lần, thiết bị theo dõi xâm lấn mẹ/thai nhi và lấy nhau thai bằng tay.
- Nhiễm trùng âm đạo không được điều trị.
- Yếu tố từ mẹ: Nhiễm HIV, đái tháo đường và béo phì.
Thực hiện một thủ thuật liên quan đến cổ tử cung cũng làm tăng nguy cơ mắc như:
- Nong cổ tử cung và nạo tử cung (D&C).
- Nong và nạo phá thai (D&E).
- Sinh thiết nội mạc tử cung (lấy mô từ niêm mạc tử cung để xét nghiệm).
- Nội soi tử cung.
- Đặt vòng tránh thai (dụng cụ tử cung).
Một số người bị bệnh do thụt rửa hoặc đưa vật khác vào âm đạo.
Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Viêm nội mạc tử cung
Được chẩn đoán bằng lâm sàng, dựa trên bệnh sử, tiền căn, khám vùng chậu và các yếu tố nguy cơ. Ngoài ra một số xét nghiệm cận lâm sàng cũng có thể hỗ trợ chẩn đoán:
- Soi dịch âm đạo.
- Cấy dịch cổ tử cung: Lấy mẫu hoặc nuôi cấy từ cổ tử cung để kiểm tra vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm khuẩn Chlamydia và Gonococcus (vi khuẩn gây bệnh lậu).
- Sinh thiết nội mạc tử cung: Lấy một lượng nhỏ mô ra khỏi niêm mạc tử cung để kiểm tra.
- Nội soi tử cung: Dùng ống nội soi tử cung để quan sát cấu trúc bên trong tử cung.
- Siêu âm tử cung qua ngã âm đạo: Kết quả siêu âm trong viêm nội mạc tử cung là nội mạc tử cung dày lên, không đồng nhất, tích tụ dịch trong tử cung và các ổ khí trong tử cung.
Xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện để đo số lượng bạch cầu (WBC) và tốc độ máu lắng (ESR) . Viêm nội mạc tử cung sẽ làm tăng cả số lượng WBC và ESR của bạn.
Phương pháp điều trị Viêm nội mạc tử cung
Việc điều trị nên bắt đầu càng sớm càng tốt, giúp ngăn ngừa các biến chứng lâu dài.
- Trong trường hợp viêm nội mạc tử cung cấp tính nặng: Ngoài việc kiểm soát triệu chứng, cần phải bắt đầu nghỉ ngơi, bù nước đầy đủ và dùng kháng sinh ngay bằng đường tiêm tĩnh mạch trong 48 giờ đầu tiên, sau đó dùng kháng sinh đường uống. Khuyến cáo điều trị kháng sinh trong viêm nội mạc tử cung cấp tính sử dụng Clindamycin và Gentamicin.
- Trường hợp nhẹ đến trung bình: Nên dùng kháng sinh đường uống hoặc tiêm bắp.
Doxycycline thường được sử dụng để điều trị viêm nội mạc tử cung mãn tính.
Đồng thời, bạn tình cần được điều trị và tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai.
Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến Viêm nội mạc tử cung
Chế độ sinh hoạt:
Duy trì thói quen sinh hoạt tốt để giúp hạn chế bệnh, các biện pháp bao gồm:
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều trị cho cả bạn tình.
- Dùng các biện pháp tránh thai an toàn khi quan hệ tình dục.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, không thụt rửa sâu vào trong vùng kín, vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Trong kỳ kinh nguyệt, thay băng vệ sinh thường xuyên từ 4 – 6 giờ/lần.
- Chọn đồ lót chất liệu thoáng khí, thấm hút mồ hôi, đúng kích cỡ. Đồ lót nên được giặt riêng với quần áo và phơi khô trước khi sử dụng.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần hoặc khi có triệu chứng bất thường.
Chế độ dinh dưỡng:
Duy trì một chế độ ăn lành mạnh như:
- Chế độ ăn nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C có nhiều trong rau củ quả và trái cây như đu đủ, táo, ổi, cam, bông cải xanh, ớt chuông, kiwi,…
- Nên ăn các thực phẩm có chứa probiotic như sữa chua, các sản phẩm làm từ đậu nành.
- Uống đủ lượng nước mỗi ngày.
- Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,…
- Hạn chế ăn đồ cay nóng, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ngọt.
Phương pháp phòng ngừa viêm nội mạc tử cung
Vì nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) không được điều trị thường gây viêm nội mạc tử cung nên cách phòng ngừa tốt nhất là:
- Dùng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn (bao cao su).
- Thường xuyên đi khám kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục;.
- Khuyến khích bạn tình đi kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Điều trị STI sớm và kịp thời.
- Dùng kháng sinh trước khi thực hiện thủ thuật sinh mổ giúp ngăn ngừa viêm nội mạc tử cung.
Nguồn tham khảo
- Endometritis – Diagnosis,Treatment and its impact on fertility – A Scoping Review: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9355436/
- Chronic endometritis and infertility: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5234283/
- Endometritis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24334-endometritis
- Endometritis: https://ufhealth.org/conditions-and-treatments/endometritis
- Endometritis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK553124/