Cườm nước là nhóm bệnh lý đặc trưng bởi thoái hóa thần kinh thị giác dưới ảnh hưởng của nhãn áp cao. Cườm nước là nguyên nhân gây mù phổ biến thứ 2 trên thế giới và là nguyên nhân phổ biến nhất tại Mỹ nhưng chỉ có một nửa số bệnh nhân nhận biết được căn bệnh này. Cườm nước có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở những người cao tuổi.
Tìm hiểu chung
Cườm nước là gì?
Cườm nước là tên gọi dân gian của bệnh glaucoma (tăng nhãn áp), miền Bắc còn gọi là thiên đầu thống. Cườm nước là một bệnh lý về mắt xảy ra do áp suất thủy dịch trong mắt tăng đến mức gây tổn thương thần kinh thị giác. Áp suất thủy dịch tăng do đường dẫn lưu thủy dịch bị tắc nghẽn hoặc do lượng thủy dịch sinh ra quá nhiều. Cườm nước làm giảm thị lực vì khi nhãn áp tăng gây chèn ép các mạch máu phía sau mắt có nhiệm vụ nuôi dưỡng cấu trúc thần kinh. Đa số các trường hợp bị cườm nước đều tiến triển chậm và người bệnh thường không nhận biết được bệnh cho đến khi thị lực đã bị suy giảm đáng kể.
Có 2 loại cườm nước (glaucoma):
- Glaucoma góc đóng: Tình trạng tăng nhanh chóng và đột ngột nhãn áp trong mắt, gây đau dữ dội, đỏ mắt, mờ mắt, xuất hiện quầng sáng xung quanh nguồn sáng, buồn nôn. Nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù vĩnh viễn. Glaucoma góc đóng thường xảy ra ở người cao tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ.
- Glaucoma góc mở: Tình trạng tăng nhãn áp tiến triển chậm trong thời gian dài dẫn đến việc khó phát hiện bệnh. Glaucoma góc mở cho đáp ứng tốt với điều trị hoặc phẫu thuật làm khơi thông sự tắc nghẽn đường dẫn lưu. Thường gặp ở người cao tuổi và mang yếu tố di truyền.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của cườm nước
Ở giai đoạn dầu, cườm nước thường không có triệu chứng, không gây đau, tầm nhìn bình thường. Nhưng nếu không điều trị, người bệnh sẽ bị suy giảm thị lực, thấy quầng xanh đỏ, ít đau nhức, có khi đau nhức lan lên đến chẩm, nhức vào buổi tối, thích ứng kém khi thay đổi ánh sáng từ sáng vào tối hoặc ngược lại, tầm nhìn bị thu hẹp. Xảy ra ở một hoặc cả 2 mắt.
Tác động của cườm nước đối với sức khỏe
Glaucoma góc mở thường biểu hiện thầm lặng, gây mất thị trường và thị lực, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh cườm nước
Glaucoma góc mở không được điều trị và glaucoma góc đóng không cấp cứu kịp thời có nguy cơ cao dẫn đến mù vĩnh viễn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến cườm nước
Cườm nước không có nguyên nhân rõ ràng, nhưng nó có liên quan đến sự tăng áp lực trong mắt, giảm lượng máu nuôi dưỡng các dây thần kinh thị giác. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc do các tổn thương bên trong mắt.
Thủy dịch khi tiết ra sẽ đi từ phần sau mống mắt qua lỗ đồng tử đi ra phần trước của nhãn cầu. Từ đây thủy dịch sẽ đi qua góc tiền phòng để ra khỏi nhãn cầu. Nếu góc này đóng sẽ gây bệnh glaucoma góc đóng, thường do biến dạng cơ học của mống mắt làm tắc nghẽn lưu thông thủy dịch gây tăng nhãn áp đột ngột và nhanh chóng.
Ở glaucoma góc mở, góc tiền phòng chưa đóng nhưng có gây trở ngại ở vùng góc, làm nghẽn ống lưu thông thủy dịch gây tăng nhãn áp.
Nguy cơ
Những ai có nguy cơ mắc phải cườm nước?
- Trên 45 tuổi;
- Gia đình có người mắc cườm nước;
- Người bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, hội chứng Raynaud;
- Người cận thị, viễn thị;
- Người gốc Á, Phi, Caribbean.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cườm nước
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cườm nước, bao gồm:
- Tăng nhãn áp bất thường;
- Sử dụng thuốc steroid thường xuyên và kéo dài;
- Bị chấn thương ở vùng mắt;
- Góc tiền phòng nông hoặc hẹp.
Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cườm nước
Bệnh sử
Thấy quầng xanh đỏ, đau lan đến chẩm, nhức mắt và buổi tối và nhìn mờ.
Khám lâm sàng
Triệu chứng cơ năng: Đau nhức mắt và đầu cùng bên với bên mắt bị tổn thương, nhìn mờ, thấy quầng sáng quanh nguồn sáng, buồn nôn.
Triệu chứng thực thể: Nhãn áp cao > 35mmHg, thị lực giảm, cương tụ rìa, giác mạc bị phù và mất bóng, đồng tử khi giãn bị méo, thủy tinh thể đục nhẹ, soi đáy mắt không rõ, có thể phù gai thị, góc tiền phòng đóng hoặc dính góc.
Cận lâm sàng
Đánh giá mức độ tổn thương trên thị trường bằng cách đo thị trường Humphrey.
Chẩn đoán xác định
Thị lực giảm, nhức mắt, mắt đỏ, cương tụ rìa, phù giác mạc, đồng tử khi giãn bị méo và mất phản xạ, nhãn áp cao > 35 mmHg, góc tiền phòng đóng.
Phương pháp điều trị cườm nước hiệu quả
Mục đích điều trị: Cắt cơn glaucoma cấp, bảo vệ thần kinh thị giác và vùng bè, bảo vệ bên mắt còn lại và điều trị triệt để, dứt điểm.
Hạ nhãn áp bằng cách sử dụng thuốc, laser hoặc phẫu thuật.
Người bệnh có tổn thương thần kinh thị giác kèm với thay đổi thị trường sẽ được chỉ định điều trị bất kể nhãn áp có tăng hay không. Mục tiêu điều trị cườm nước mạn tính thường là giảm 20 – 40% so với nhãn áp trước khi điều trị.
Điều trị nội khoa:
- Ức chế anhydrase carbonic: Acetazolamid 250mg x 4 lần/ngày, cách 6 giờ (chú ý bổ sung kali).
- Co đồng tử: Dùng pilocarpin 2%, 4 lần/ngày, cách 6 giờ.
- Beta blocker: Nhỏ mắt bằng timolol 0,5% 2 ngày/ngày (lưu ý tác dụng phụ trên tim, phổi).
- Prostaglandin: Nhỏ mắt travatan 0,004%, 1 lần/ngày.
- Tăng thẩm thấu: Truyền tĩnh mạch mannitol 20% khi nhãn áp quá cao.
Điều trị ngoại khoa:
Dùng laser YAG để cắt mống mắt chu biên nếu dính góc ít hoặc không dính.
Phẫu thuật thường là phẫu cắt vè củng giác mạc để tạo lỗ rò, đặt ống dẫn lưu tiền phòng tạo đường lưu thống mới. Các phương pháp phẫu thuật mới giúp gia tăng việc thoát thủy dịch qua vùng bè hay màng bồ đào củng mạc mà không cần tạo lỗ rò.
Việc hạ nhãn áp dự phòng cần dựa trên mức độ tăng nhãn áp, các yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân, được khuyến cáo với bệnh nhân có nhãn áp > 30 mmHg.
Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cườm nước
Chế độ sinh hoạt:
- Tập thể dục tránh các động tác trồng chuối.
- Không chơi các nhạc cụ sử dụng hơi như trombone, trumpet.
- Không sử dụng các loại kính bơi thông thường, không trùm mũi.
- Không thắt cà vạt hoặc cài khuy cổ áo sơ mi quá chặt.
- Giảm cân nếu bị béo phì, thừa cân.
- Đi bộ nhanh hoặc chạy bộ.
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nhiều rau xanh.
Phương pháp phòng ngừa cườm nước hiệu quả
- Tập thể dục thường xuyên.
- Đeo kính bảo vệ khi ra nắng.
- Duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải.