Suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh là một trạng thái loạn thần phổ biến nhất, chiếm tới hơn 60 – 70% ca bệnh tại các khoa tâm lý và thần kinh. Đây là tâm bệnh của xã hội hiện đại. Nguyên nhân thường do stress hay chấn thương tâm lý. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại các hệ lụy nghiêm trọng về cả thể chất và tinh thần cho người bệnh.

Tìm hiểu chung

Suy nhược thần kinh là gì? 

Suy nhược thần kinh là một tình trạng rối loạn chức năng của não bộ và một số trung khu thần kinh nằm dưới vỏ não do làm việc quá mức, chịu nhiều áp lực, căng thẳng dẫn đến suy nhược. Suy nhược thần kinh thường xuất hiện sau một cơn sang chấn tâm lý.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy nhược thần kinh

Thay đổi tâm trạng thất thường: Người bệnh dễ nổi nóng, giận dữ nhưng rất nhanh sau đó lại cảm thấy ăn năn, hối lỗi. Rất dễ xúc động nhưng lại hay im lặng.

Tự cô lập: Do tình trạng căng thẳng kéo dài làm cho người bệnh có xu hướng tách biệt mình ra khỏi những người xung quanh. Người bệnh thích ở một mình, dần dần trở nên khó khăn khi tiếp xúc với người khác.

Rối loạn cảm giác: Xuất hiện nhiều cảm giác như kiến bò, kim châm trên da, lưỡi mất vị giác, tay chân run rẩy, nóng lạnh thất thường.

Mất ngủ: Triệu chứng điển hình nhất của người bị suy nhược thần kinh là mất ngủ. Một số trường hợp khác cho biết họ bị tỉnh giấc nhiều lần trong đêm.

Đau đầu: Người bệnh thường đau đầu âm ỉ, vùng đỉnh đầu, thái dương hay toàn bộ vùng trán. Thời gian đau tùy vào bệnh nhân, có người đau có cả ngày, có người đau vài tiếng. Sau một thời gian, người bệnh sẽ càng dễ bị đau đầu, nhất là khi xúc động, mệt mỏi.

Đau lưng: Người bệnh hay bị đau cột sống, buốt xương sống, đau lưng, đau cổ

Rối loạn thần kinh thực vật: Mạch đập không ổn định, lúc nhanh lúc chậm, huyết áp lúc cao lúc thấp, đánh trống ngực, thân nhiệt tăng giảm thất thường.

Ngoài ra, người bệnh thường rất nhạy cảm, dễ bị ám thị tâm lý, hay cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, chán nản và buồn bã.

Biến chứng có thể gặp khi mắc suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm dễ gây ra những hậu quả tâm lý nặng nề cho người bệnh. Người bệnh có khả năng mất khả năng lao động, và việc này lại làm trầm trọng hơn tình trạng lo âu, trầm cảm. Trầm cảm nặng hơn có thể khiến người bệnh tự tử. Các rối loạn ám ảnh khác có thể làm cho người bệnh nghiện rượu bia và các loại thuốc an thần do tự điều trị.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy nhược thần kinh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy nhược thần kinh nhưng trong đó, căn nguyên tâm lý (stress, chấn thương tâm thần) rất đa dạng, thường là những căng thẳng tâm lý (cấp tính hay mạn tính) như đột ngột tổn thất về người và của, mâu thuẫn gia đình, làm việc căng thẳng kéo dài,.. khiến người bệnh phải lo lắng, suy nghĩ nhiều dẫn đến stress. Bên cạnh đó, lối sống buông thả, sử dụng nhiều chất kích thích cũng là một trong những nguyên nhân gây suy nhược thần kinh phổ biến.

Một số bệnh lý về thần kinh cũng dễ khiến người bệnh bị suy nhược như thiểu năng tuần hoàn não, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, chấn thương sọ não, viêm xoang, loét dạ dày,.. vì thường làm cho cơ thể mệt mỏi, căng thẳng và lo âu kéo dài.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải suy nhược thần kinh?

Đối tượng có nguy cơ dễ mắc phải suy nhược thần kinh:

  • Người thường xuyên bị căng thẳng;
  • Bệnh nhân trầm cảm;
  • Người lớn tuổi;
  • Người lao động trí óc;
  • Gia đình có người bị suy nhược thần kinh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy nhược thần kinh

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy nhược thần kinh, bao gồm:

  • Tính cách: người có tính cách hướng nội, ít giao tiếp thường có nguy cơ bị suy nhược thần kinh hơn;
  • Stress;
  • Làm việc cường độ cao;
  • Sang chấn tâm lý;
  • Áp lực từ công việc, gia đình;
  • Tiếng ồn;
  • Bệnh mạn tính.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy nhược thần kinh

Hiện có 3 bảng tiêu chuẩn chẩn đoán suy nhược thần kinh, bao gồm:

  • Phân loại quốc tế về bệnh tật (ICD).
  • Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần (DSM).
  • Phân loại rối loạn tâm thần của Trung Quốc (CCMD)

Bác sĩ sẽ tìm hiểu về nguyên nhân và các vấn đề khác gây ra suy nhược thần kinh. Tập trung hỏi vào các dấu hiệu, triệu chứng, tiến hành kiểm tra mô hình sinh học tâm lý xã hội (BioPsychoSocial), xem xét tiền sử bệnh.

Sau đó dựa vào các bảng tiêu chuẩn chẩn đoán để đánh giá mức độ bệnh của bệnh nhân.

Các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tâm thần như ảo giác và hoang tưởng.

Phương pháp điều trị suy nhược thần kinh hiệu quả

Điều trị suy nhược thần kinh bằng cách:

  • Nhận định đúng tình trạng bệnh;
  • Điều trị triệu chứng;
  • Liệu pháp hành vi nhận thức;
  • Tập luyện theo mức độ;
  • Thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc ngủ.

Bác sĩ cần phải công nhận và tin vào các triệu chứng bệnh nhân kể ra để nhận định đúng tình trạng bệnh, sau đó khiến bệnh nhân chấp nhận căn bệnh và đưa ra những phương pháp họ có thể làm để cải thiện. Liệu pháp hành vi nhận thức và tập luyện theo mức độ là những can thiệp hữu ích. Cân nhắc áp dụng liệu pháp này cho các bệnh nhân sẵn sàng thực hiện.

Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới suy nhược thần kinh, vì thế cân nhắc dùng thuốc chống trầm cảm.

Hướng dẫn bệnh nhân cách thư giãn để đi vào giấc ngủ ở những bệnh nhân có rối loạn giấc ngủ, nếu không có hiệu quả, sử dụng thuốc ngủ nếu cần thiết.

Bệnh nhân bị đau (đau lưng, đau cột sống) có thể điều trị bằng một số thuốc như pregabalin, gabapentin, amitriptyline, duloxetine. Vật lý trị liệu cũng rất hữu ích.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy nhược thần kinh

Chế độ sinh hoạt:

  • Khi đột nhiên cảm thấy căng thẳng, áp lực nên hít thở sâu từ 1 đến 10.
  • Trước khi đi ngủ, không sử dụng các thiết bị điện tử và thả lỏng toàn thân. Tập ngủ vào 1 khung giờ cố định.
  • Khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát bệnh.
  • Sử dụng các biện pháp trị liệu tâm lý như trò chuyện, liệu pháp hành vi nhận thức.
  • Áp dụng phương pháp điều trị thay thế như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, tập yoga, thiền định,..

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bỏ hút thuốc lá, cà phê, rượu, bia.
  • Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chia nhỏ bữa ăn.
  • Không ăn quá no, không ăn thức ăn khó tiêu.
  • Bổ sung nhiều rau xanh, cải chíp, súp lơ,..

Phương pháp phòng ngừa suy nhược thần kinh

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thay đổi lối sống tích cực hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 150 phút/tuần.
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc.
  • Thăm khám tâm lý để giải tỏa áp lực, căng thẳng.
  • Tập thở sâu.
  • Điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

Nguồn tham khảo

  1. Sức khỏe đời sống: https://suckhoedoisong.vn/suy-nhuoc-than-kinh-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-doi-dien-169198493.htm
  2. Sở Y tế thành phố Hà Nội: https://soyte.hanoi.gov.vn/kham-chua-benh-pho-bien-kien-thuc-y-hoc/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/suy-nhuoc-than-kinh-can-uoc-can-thiep-som
  3. Sở Y tế Nam Định: https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/nguyen-nhan-va-dau-hieu-nhan-biet-suy-nhuoc-than-kinh-931
  4. PubMed: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6104718/
image chat

Xem trực tiếp XoilacTV hôm nay

jun88