Viêm gan D

Tỷ lệ nhiễm virus HDV ước tính là 4,5% trong tổng số người dương tính với virus HBV, tương đương với 0,16% dân số thế giới. Viêm gan D đưa đến biến chứng khoảng 18% trường hợp xơ gan và 20% trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan liên quan đến viêm gan B mạn tính đồng mắc.

Tìm hiểu chung

Virus HDV là gì?

Có 5 loại virus điển hình gây ra viêm gan virus cấp gồm: Virus viêm gan A (HAV), virus viêm gan B (HBV), virus viêm gan C (HCV), virus viêm gan D (HDV) và virus viêm gan E (HEV). Ngoài ra, còn có các loại virus chưa xác định khác cũng có khả năng gây viêm gan virus cấp.

Virus HDV là một loại virus có vật chất di truyền là RNA, thuộc gia đình Deltaviridae, kích thước khoảng 35nm. Đây là một loại siêu vi chưa hoàn chỉnh, phụ thuộc vào sự tồn tại của virus HBV vì virus HDV không tự tổng hợp được vỏ bọc của mình mà nhờ vào các kháng nguyên bề mặt của virus HBV.

Về lâm sàng, mức độ sao chép của virus HDV cao nhất được tìm thấy ở người bệnh có mức độ sao chép của virus HBV cao nhất, huyết thanh dương tính với HBsAg và HBeAg, đồng thời đang có các triệu chứng lâm sàng rầm rộ của viêm gan cấp.

Viêm gan D là gì?

Viêm gan D là bệnh viêm gan có thể ở dạng cấp tính hoặc mạn tính, do virus HDV gây ra. Theo Dunford và cộng sự (2012), nghiên cứu đa trung tâm trên gần 9000 người bệnh nhiễm HBV ở nước ta, tỷ lệ nhiễm HDV là 10,7%, trong đó nhóm tiêm chích ma túy chiếm tỷ lệ lên đến hơn 25%.

Có hai tình huống nhiễm virus HDV bao gồm:

  • Đồng nhiễm với virus HBV, thường gặp ở người tiêm chích ma túy.
  • Nhiễm virus HDV trên những người bệnh đã nhiễm virus HBV mạn, gây bùng phát đợt cấp viêm gan.

Triệu chứng

Triệu chứng của viêm gan D

Viêm gan cấp do nhiễm đồng thời virus HDV và HBV có thể có các triệu chứng lâm sàng với mức độ từ nhẹ đến nặng, khó có thể phân biệt với các loại viêm gan cấp do nguyên nhân khác. Những triệu chứng của bệnh thường xuất hiện từ 3 – 7 tuần sau khi nhiễm virus, bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Chán ăn hoặc ăn uống kém ngon miệng;
  • Sốt;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Nước tiểu sậm màu;
  • Phân nhạt màu;
  • Vàng da hoặc vàng mắt;
  • Đau tức vùng hạ sườn phải.
Viêm gan D: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 2
Vàng da hoặc vàng mắt là một trong những biểu hiện của viêm gan D

Biến chứng của viêm gan D

Hầu hết người bệnh đồng nhiễm HDV và HBV chỉ trải qua giai đoạn cấp tính của bệnh và có thể khỏi bệnh sau hai đến ba tuần. Chỉ có khoảng 10% số người nhiễm virus HDV diễn tiến đến viêm gan mạn.

Nhiễm virus HDV bội nhiễm với virus HBV mạn có thể gây ra bệnh cảnh viêm gan cấp mất bù. Sự bội nhiễm này làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh trên 70 – 90% người bệnh ở mọi lứa tuổi.

Các biến chứng của viêm gan virus mạn tính gồm:

  • Xơ gan còn bù hoặc mất bù;
  • Ung thư biểu mô tế bào gan.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào như đã kể trên, các bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và đưa ra các giải pháp kịp thời. Việc chẩn đoán và điều trị càng sớm chắc chắn sẽ làm giảm nguy cơ bệnh diễn biến nguy hiểm và cho phép bệnh nhân phục hồi tốt hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm gan D

Virus HDV lây truyền từ người sang người giống với cách lây truyền của virus HBV qua các con đường:

  • Từ mẹ sang con: Khác với các nước khác trên thế giới, tại Việt Nam, đây là con đường lây truyền phổ biến nhất. Khả năng lây cho con có thể lên đến 90% nếu người mẹ dương tính với HBsAg và HBeAg.
  • Đường máu: Việc truyền máu có mầm bệnh, dụng cụ y tế không vệ sinh, sử dụng chung kim tiêm, dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng có nhiễm máu người bệnh,…
  • Quan hệ tình dục không an toàn.
Viêm gan D: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 4
Con đường lây nhiễm virus viêm gan D

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm gan D?

Những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan D gồm:

  • Trẻ nhỏ sinh ra từ người mẹ mang virus HBV và/hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin viêm gan B.
  • Người tiêm chích ma túy.
  • Người có nhiều bạn tình, gái mại dâm, quan hệ tình dục đồng tính.
  • Gia đình có thành viên nhiễm viêm gan B.
  • Nhân viên y tế.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm gan D

Các phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể nghi ngờ một người bệnh nhiễm virus HDV khi người bệnh có các triệu chứng của tình trạng viêm gan cấp tính hoặc trên một người bệnh viêm gan B mạn tính, tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn cho thấy có sự bội nhiễm.

Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử và các yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh. Sau đó, để chẩn đoán xác định, các xét nghiệm chuyên biệt là rất cần thiết, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Một số xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh và chức năng gan được bác sĩ chỉ định như sau:

  • Xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan A, B, C, D: Kháng thể IgM kháng virus HAV (IgM anti-HAV), kháng nguyên bề mặt virus HBV (HBsAg), kháng thể IgM kháng virus HBV (IgM anti-HBc), kháng thể kháng virus HCV (anti-HCV) và phản ứng chuỗi polymerase phát hiện HCV (HCV RNA), kháng thể IgM kháng virus HDV (IgM anti-HDV) và phản ứng chuỗi polymerase phát hiện HDV (HDV RNA).
  • Chức năng gan: Định lượng chỉ số men gan AST (SGOT) và ALT (SGPT); bilirubin toàn phần và bilirubin trực tiếp.
  • Cận lâm sàng chẩn đoán biến chứng: Sinh thiết gan, siêu âm độ đàn hồi mô gan (theo dõi biến chứng xơ gan); chụp cắt lớp vi tính CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI, định lượng AFP (theo dõi biến chứng ung thư gan),…
Viêm gan D: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 5
Xét nghiệm kháng thể IgM kháng virus HDV

Phương pháp điều trị viêm gan D hiệu quả

Viêm gan D hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội ban hành, điều trị viêm gan D cấp tính cần tránh các chất kích thích như rượu bia, đồ uống có cồn khác, thuốc lá để không làm tình trạng tổn thương gan diễn tiến xấu hơn. Việc hạn chế hoạt động hoặc kiêng khem trong chế độ ăn đều không có cơ sở khoa học trong quá trình điều trị bệnh giai đoạn cấp tính.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều trị với pegylated interferon alpha trong ít nhất 48 tuần bất kể phản ứng nào trên người bệnh. Tuy nhiên, virus HDV cho tỉ lệ đáp ứng thấp với điều trị thuốc này. Dù vậy, các nghiên cứu cũng cho rằng việc điều trị với thuốc có liên quan đến tỷ lệ diễn tiến bệnh thấp hơn. Phương pháp điều trị này có nhiều tác dụng phụ đáng kể và không nên áp dụng cho bệnh nhân xơ gan mất bù, bệnh tâm thần tiến triển và nhóm bệnh tự miễn.

Nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể lên chiến lược ghép gan cho người bệnh. Đây là một loại phẫu thuật lớn, gồm việc cắt bỏ lá gan tổn thương và thay thế bằng gan khỏe mạnh từ người hiến tạng phù hợp. Khoảng 70% người bệnh có triển vọng sống được 5 năm sau phẫu thuật hoặc hơn thế.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm gan D

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Tinh thần thoải mái và lạc quan rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh.
  • Hoạt động thể chất có thể giúp bạn giảm căng thẳng, lo âu và duy trì sức khỏe dẻo dai, vì thế hãy xây dựng một lịch trình tập thể dục điều đặn với cường độ phù hợp với bản thân bạn.
  • Liên hệ bác sĩ điều trị ngay khi cơ thể có bất thường trong thời gian điều trị.
  • Thăm khám định kì để theo dõi bệnh và định hướng việc điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Đối với người bệnh viêm gan B có kèm viêm gan D mạn tính và/hoặc tiến triển xơ gan, người bệnh cần có một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng gồm:

  • Nhóm chất đạm (protein): Đối với người bệnh có viêm gan mạn hoặc xơ gan, việc ăn đủ chất đạm có thể giúp bạn tránh suy dinh dưỡng và teo cơ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều chất đạm lại có thể dẫn đến biến chứng bệnh não gan trong xơ gan mất bù. Chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng bạn nên ăn từ 1 – 1,5g protein trên mỗi kilogam trọng lượng cơ thể. Nguồn protein phong phú có trong các loại đậu, cá, thịt gia cầm, thịt nạc, sữa, phô mai,…
  • Nhóm chất đường bột (carbohydrate): Có các đề xuất về việc chia khẩu phần chất đường bột trong một ngày gồm ít nhất 50% là ngũ cốc nguyên hạt thay cho ngũ cốc tinh chế như gạo trắng, bánh mì trắng. Tránh các loại thực phẩm nhiều đường như nước ngọt đóng chai, bánh kẹo,…
  • Nhóm chất béo (lipid): Bạn nên tiêu thụ ít hơn 10% lượng calo mỗi ngày từ nhóm chất béo, hạn chế các chất béo bão hòa (có trong mỡ, nội tạng động vật,…) và chất béo chuyển hóa (đồ chiên, nướng, thực phẩm đóng hộp,…), thay bằng các loại chất béo lành mạnh từ các loại hạt, quả bơ,…
  • Nhóm vitamin và khoáng chất: Người bệnh tổn thương nhu mô gan có thể giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng nói chung. Bạn có thể bổ sung vitamin và khoáng chất từ thực phẩm như trái cây, rau củ hoặc một số nhóm thực phẩm chức năng. Tuy nhiên liều cao của một số loại vitamin có thể gây độc cho cơ thể vì vậy bạn cần tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa nếu muốn sử dụng các sản phẩm bổ sung.
  • Đồ uống có cồn: Có thể làm tổn thương gan và làm tình trạng viêm gan hoặc xơ gan của bạn tồi tệ hơn. Bạn cần ngừng việc sử dụng rượu, bia hoặc các loại đồ uống có cồn khác.
Viêm gan D: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 7
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc viêm gan D

Phương pháp phòng ngừa viêm gan D hiệu quả

Cách duy nhất để phòng ngừa viêm gan D là phòng ngừa nhiễm viêm gan B. Một số biện pháp phòng ngừa giúp giảm nguy cơ mắc viêm gan D gồm:

  • Chủng ngừa: Tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B ở tất cả trẻ em. Đối với người lớn, nên kiểm tra trữ lượng kháng thể của mình và tiêm nhắc nếu lượng kháng thể phòng ngừa viêm gan B không đủ. Nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm trùng cao như người thường xuyên sử dụng các thuốc tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da, nên kiểm tra kháng thể và tiêm phòng. Việc chủng ngừa thường được tiến hành một liệu trình gồm ba mũi tiêm trong 6 tháng. Lưu ý rằng việc chủng ngừa vắc xin kháng virus HBV không giúp bạn phòng chống lại virus HDV nếu bạn đã nhiễm virus HBV trước đó.
  • Quan hệ tình dục an toàn: Thực hiện phương châm “một vợ một chồng”, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục nếu bạn không chắc chắn rằng bạn tình của mình có nhiễm virus viêm gan hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác hay không.
  • Ngừng hoặc tránh dùng các loại thuốc kích thích, đặc biệt là đường tiêm. Không dùng chung kim tiêm, dao cạo, các vật dụng dính máu hoặc dịch tiết với người khác.
  • Cẩn trọng với việc xăm, xỏ khuyên hoặc các thủ thuật có xâm lấn trên cơ thể bạn.
Viêm gan D: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 6
Chủng ngừa vắc xin viêm gan B để phòng ngừa viêm gan D

Nguồn tham khảo

  1. Hepatitis D virus: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK513490/
  2. The global prevalence of hepatitis D virus infection: Systematic review and meta-analysis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7438974/
  3. Recent advances in managing hepatitis D: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5580405/
  4. Hepatitis delta: Epidemiology, diagnosis and management 36 years after discovery: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24293018/
  5. Hepatitis D: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-d
image chat

Xem trực tiếp XoilacTV hôm nay

jun88