Ung thư tụy

Ung thư tụy xảy ra khi các tế bào của tuyến tụy bắt đầu nhân lên ngoài tầm kiểm soát của cơ thể. Bệnh lý này hiếm khi được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, điều này là do các triệu chứng hầu như không xuất hiện hoặc rất mờ nhạt cho đến giai đoạn sau của bệnh.

Tìm hiểu chung

Ung thư tụy là gì?

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính vào năm 2023 có khoảng 64.050 người được chẩn đoán mắc ung thư tụy và khoảng 50.550 người chết vì ung thư tụy. Ung thư tụy chiếm khoảng 3% tổng số ca ung thư tại Mỹ và khoảng 7% tổng số ca tử vong do ung thư.

Tuyến tụy là một cơ quan trong ổ bụng, nằm phía sau dạ dày. Ở người trưởng thành, kích thước tuyến tụy có chiều dài khoảng 15 cm và chiều rộng khoảng 5 cm.

Ung thư tụy: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị 1
Ung thư tụy

Loại ung thư tuyến tụy phổ biến nhất là ung thư biểu mô tuyến, bệnh khởi phát khi các tế bào tụy ngoại tiết tăng sinh ngoài tầm kiểm soát. Các tế bào tụy ngoại tiết có vai trò giải phóng các enzyme vào ruột, giúp bạn tiêu hóa thức ăn. Ung thư biểu mô tuyến của tụy ngoại tiết có tần suất cao gấp 9 lần so với ung thư tế bào nang tuyến.

Các tế bào tụy nội tiết chiếm số lượng ít hơn trong tuyến tụy. Những tế bào này tạo ra các hormone quan trọng như insulin và glucagon (giúp kiểm soát lượng đường trong máu). U thần kinh nội tiết tụy bắt nguồn từ các tế bào tụy nội tiết này.

Các loại ung thư tuyến tụy theo giải phẫu bệnh

Ung thư tụy bao gồm các tổn thương của tụy ngoại tiết hoặc tụy nội tiết.

Ung thư biểu mô tuyến ống là loại ung thư tụy phổ biến nhất. Bao gồm các loại sau:

  • Khoảng 95% ung thư tụy ngoại tiết là ung thư biểu mô tuyến, bắt nguồn từ các tế bào ống dẫn của tụy. Loại ung thư có nguồn gốc từ các tế bài acinar (tế bào sản xuất và tiết enzyme tiêu hóa) thường ít gặp hơn.
  • Các loại ung thư tụy ngoại tiết ít gặp hơn gồm: Ung thư biểu mô tuyến vảy, ung thư tế bào vảy, ung thư biểu mô tế bào nhẫn, ung thư biểu mô không biệt hóa, ung thư biểu mô mất biệt hóa có tế bào khổng lồ,…

Một số tổn thương khác như: U nhầy nhú nội ống (IPMN), u biểu mô tụy loạn sản độ cao (PanIN), u nguyên bào tụy (Pancreatoblastoma), u dạng nang nhầy (MCPN),…

Triệu chứng

Triệu chứng của ung thư tụy

Các triệu chứng của ung thư tụy phụ thuộc vào kích thước, vị trí và sự xâm lấn của khối u sang các tạng khác trong ổ bụng. U đầu tụy khi phát triển biểu hiện chủ yếu là vàng da, đau bụng và sụt cân. Các triệu chứng của bệnh xuất hiện sớm hơn u thân tụy và u đuôi tụy.

  • Đau bụng: Đau bụng là triệu chứng có thường gặp nhất ở hầu hết bệnh nhân bị ung thư tụy, thậm chí triệu chứng này xuất hiện ngay cả với u có kích thước < 2 cm. Đau bụng thường xuất hiện từ 1 đến 2 tháng trước khi bệnh được chẩn đoán. Các tính chất điển hình của đau bụng trong ung thư tụy là đau vùng thượng vị lan sang bên hoặc ra sau lưng, đau không liên tục, tăng dần cả về cường độ và tần suất, nặng hơn sau khi ăn hoặc nằm ngửa, đau tăng về đêm.
  • Viêm tụy cấp: Diễn biến lâm sàng điển hình của viêm tụy cấp có thể là khởi đầu của ung thư tụy. Theo nghiên cứu của Modolell và cộng sự (1999), viêm tụy cấp trong ung thư tụy chiếm tỷ lệ 1,3%. Đau cấp tính là biểu hiện của viêm tụy cấp do u làm tắc ống tụy chính, cũng có thể là do gây tắc đường mật hoặc u xâm lấn chèn ép xung quanh.
  • Vàng da: Vàng da thường biểu hiện ở giai đoạn bệnh tiến triển tăng dần. Nguyên nhân gây vàng da là do u đầu tụy chèn ép ống mật chủ gây tắc mật. Biểu hiện của tắc mật là tăng bilirubin máu, da vàng, niêm mạc vàng, ngứa, nước tiểu sẫm màu và phân bạc màu. Dấu hiệu vàng da xuất hiện ở 73% u đầu tụy, 11% u thân tụy, đối với u đuôi tụy không ghi nhận vàng da.
  • Sụt cân: Sụt cân là hiện tượng giảm quá 5% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 – 12 tháng. Dấu hiệu sụt cân chiếm 85% các trường hợp ung thư tụy.
  • Suy nhược cơ thể: Là một biểu hiện của bệnh ung thư nói chung và ung thư tụy nói riêng. Khoảng 86% các trường hợp ung thư tụy có biểu hiện suy nhược cơ thể.
  • Một số triệu chứng khác của ung thư tụy: Cổ trướng, gan to, túi mật to, thay đổi màu nước tiểu, ngứa da lòng bàn tay bàn chân,…
Ung thư tụy: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị 2
Đau bụng trong ung thư tụy

Biến chứng của ung thư tụy

Nhìn chung, tiên lượng của ung thư tụy thay đổi theo giai đoạn phát hiện bệnh, nhưng hầu hết là xấu với tỉ lệ sống thêm 5 năm chỉ < 2%. Nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư tụy đã ở giai đoạn tiến triển của bệnh.

Ung thư tụy có thể diễn tiến đến một số trường hợp cấp tính như sau:

  • Tắc mạch: Đây là một biến chứng trong ung thư tụy, tỷ lệ tắc mạch khoảng 3%. Biểu hiện bằng tắc tĩnh mạch sâu, tĩnh mạch cửa, động mạch và mạch phổi.
  • Xuất huyết tiêu hóa: Gặp trong ung thư tụy với tần suất thấp. Xuất huyết tiêu hóa có thể do u xâm lấn hoặc di căn vào dạ dày, tá tràng hoặc tĩnh mạch cửa gây hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
  • U thượng vị: U lớn thượng vị, chắc, ít hoặc không di động, bờ không rõ. Khoảng 9% ung thư tụy sờ thấy u thượng vị.
  • Hạch di căn: Ung thư tụy thường di căn đến gan, phúc mạc, phổi, hạch thượng đòn trái. Ít gặp di căn xương.
  • Loạn thần: Rối loạn cảm xúc hoặc thay đổi hành vi cá nhân. Loạn thần có thể là dấu hiệu báo trước của ung thư tụy trong một số trường hợp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư tụy

Một số gen kiểm soát chu kì tế bào (bao gồm phát triển, phân chia thành tế bào mới và chết theo chương trình). Các gen giúp tế bào phát triển, phân chia và duy trì sự sống tế bào là nhóm gen sinh ung thư. Các gen giúp kiểm soát quá trình phân chia tế bào hoặc điều khiển tế bào chết vào đúng thời điểm là gen ức chế khối u. Ung thư có thể khởi đầu khi những thay đổi DNA kích hoạt gen sinh ung thư hoặc làm bất hoạt gen ức chế khối u.

  • Đột biến gen do di truyền.
  • Đột biến gen mắc phải: Hầu hết các trường hợp ung thư tụy do đột biến gen mắc phải. Nguyên nhân gây ra các thay đổi trong gen còn đang được nghiên cứu. Có những đột biến gen là những biến đổi ngẫu nhiên bên trong tế bào mà không có tác động từ bên ngoài. Một số trường hợp ung thư tụy có thay đổi trong gen p16 và TP53, tuy nhiên đột biến gen này cũng có thể thấy trong một số hội chứng bệnh do di truyền. Ngoài ra, có những đột biến trên gen KRAS, BRAF, DPC4 cũng có thể dẫn đến ung thư tụy.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư tụy?

Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy:

  • Tuổi: Các báo cáo dịch tễ cho thấy bệnh nhân ung thư tụy từ độ tuổi 45 trở lên. Khoảng ⅔ người bệnh trong độ tuổi khoảng 65, độ tuổi trung bình được chẩn đoán mắc ung thư tụy là 70 tuổi.
  • Giới: Nam giới có nhiều nguy cơ mắc ung thư tụy hơn nữ giới, có thể liên quan đến thói quen hút thuốc lá và uống rượu.
  • Chủng tộc: Người gốc Phi có tỉ lệ mắc ung thư tụy cao hơn so với người da trắng.
  • Di truyền: Các đột biến gen di truyền có thể gây viêm tụy mạn di truyền. Viêm tụy mạn di truyền có nguy cơ gây ung thư tụy cao gấp 50 lần so với người bình thường không viêm tụy mạn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư tụy

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Là một trong yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư tụy. Nguy cơ mắc ung thư tụy cao gấp 2 đến 3 lần so với người không hút thuốc. Khoảng 25% trường hợp ung thư tụy được cho là do hút thuốc lá. Hút xì gà và sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói cũng làm tăng nguy cơ. Nguy cơ ung thư tụy sẽ giảm khi một người ngừng hút thuốc.
  • Thừa cân, béo phì: Những người béo phì với BMI từ 30 trở lên có nguy cơ ung thư tụy tăng hơn 20%. Vòng eo lớn cũng là một yếu tố rủi ro ở cả những người chưa thừa cân.
  • Đái tháo đường: Ung thư tụy phổ biến hơn ở những người mắc đái tháo đường tuýp 2. Loại bệnh này đang gia tăng ở trẻ em và thanh thiếu niên vì tình trạng béo phì ở những nhóm tuổi này cũng tăng lên. Đái tháo đường tuýp 2 ở người lớn cũng thường liên quan đến tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
  • Viêm tụy mạn: Viêm tụy mạn thường xảy ra ở người uống nhiều rượu và hút thuốc lá. Viêm tụy mạn dẫn đến nhu mô tụy bị phá hủy và tổn thương không thể hồi phục, làm xơ hóa nhu mô gây suy cả tụy nội tiết và ngoại tiết.
  • Nơi làm việc tiếp xúc với hóa chất: Những người làm việc có tiếp xúc với một số hóa chất được sử dụng trong ngành công nghiệp giặt khô và gia công kim loại có thể làm tăng nguy cơ ung thư tụy.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, tiền căn và thăm khám lâm sàng. Những trường hợp người bệnh đến khám ở giai đoạn sau của bệnh, bác sĩ có thể sờ được khối u ở bụng. Để chẩn đoán xác định ung thư tụy, bác sĩ sẽ đề nghị một số cận lâm sàng.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Các phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán ung thư tụy gồm:

  • Dấu ấn sinh học chỉ điểm ung thư: Cục quản lý Thực phẩm và Dược Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận và khuyến cáo ứng dụng trong chẩn đoán ung thư tụy là CA 19.9. Theo Duffy và cộng sự (2010), CA 19.9 có giá trị trong chẩn đoán, theo dõi điều trị và tiên lượng bệnh. Theo nghiên cứu của Đỗ Trường Sơn (2004), giá trị CA 19.9 trong chẩn đoán ung thư tụy với ngưỡng là 37 U/ml, độ nhạy 82.9%, độ đặc hiệu 67.7% và giá trị chẩn đoán dương tính 74.4%. Mặc dù CA 19.9 được xem là tiêu chuẩn vàng của chất chỉ điểm ung thư trong chẩn đoán ung thư tụy nhưng không thể thay thế được giải phẫu bệnh.
  • Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh trong ung thư tụy: Siêu âm bụng tổng quát, siêu âm nội soi hệ mật tụy, chụp cắt lớp vi tính bụng (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp mật tụy ngược dòng (ERCP), chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET),…
  • Sinh thiết khối u: Sinh thiết khối u qua da, nội soi sinh thiết, sinh thiết qua siêu âm nội soi.
  • Các xét nghiệm máu: Phosphatase kiềm, bilirubin, chức năng gan, thận,…

Phương pháp điều trị ung thư tụy hiệu quả

Có nhiều chiến lược điều trị khác nhau cho người bệnh ung thư tụy. Các phương pháp điều trị sau đây thường được sử dụng gồm: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, hóa xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích, điều trị triệu chứng, dinh dưỡng.

Phẫu thuật: Một số phương pháp phẫu thuật để loại bỏ khối u như:

  • Thủ thuật Whipple (cắt khối tá tụy).
  • Cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy.
  • Cắt bỏ phần tụy ca (thân tụy, đuôi tụy, có thể cả lá lách).
  • Khoảng 80 đến 90% số ca ung thư tụy không thể phẫu thuật cắt bỏ tại thời điểm chẩn đoán vì di căn hoặc xâm lấn vào các mạch máu lớn. Nếu ung thư lan rộng và không thể cắt bỏ, một số loại phẫu thuật giúp giảm triệu chứng bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống như: Phẫu thuật bắc cầu mật, nội soi đặt stent dẫn lưu mật, cắt dạ dày.

Xạ trị: Là phương pháp điều trị ung thư sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển.

Hóa trị: Là phương pháp điều trị ung thư sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, bằng cách giết chết tế bào hoặc ngăn chặn chúng phân chia. Khi hóa trị được dùng bằng đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch hoặc cơ, thuốc sẽ đi vào máu và có thể đến các tế bào ung thư khắp cơ thể (hóa trị toàn thân).

Liệu pháp nhắm trúng đích: Liệu pháp nhắm trúng đích là một loại điều trị sử dụng thuốc hoặc các chất khác để xác định và tấn công các tế bào ung thư cụ thể. Thuốc ức chế tyrosine kinase (TKIs) là thuốc điều trị nhắm mục tiêu ngăn chặn các tín hiệu cần thiết cho khối u phát triển. Erlotinib là một loại TKI được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tụy.

Điều trị triệu chứng: Thuốc giảm đau (nhóm opioid), bổ sung men tụy,…

Dinh dưỡng: Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo ra các enzym tuyến tụy giúp tiêu hóa thức ăn. Kết quả là bệnh nhân có thể gặp vấn đề trong việc tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng vào cơ thể. Để ngăn ngừa suy dinh dưỡng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc thay thế các enzym này

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư tụy

Chế độ sinh hoạt

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế căng thẳng;
  • Hạn chế hút thuốc lá và không uống nhiều rượu;
  • Kiểm soát đường huyết nếu đang mắc đái tháo đường;
  • Tập luyện thể dục thể thao;
  • Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.

Chế độ dinh dưỡng

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh;
  • Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, thực phẩm nhiều đường.

Phương pháp phòng ngừa ung thư tụy hiệu quả

Hiện nay không có biện pháp phòng ngừa cụ thể cho ung thư tụy. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh có thể thay đổi được để phòng ngừa ung thư tụy.

Nguồn tham khảo

  1. https://www.cancer.org/cancer/types/pancreatic-cancer/about.html
  2. https://www.cancer.gov/types/pancreatic/patient/pancreatic-treatment-pdq
  3. Sohal DP, Mangu PB, Khorana AA, Shah MA, et al. Metastatic Pancreatic Cancer: American Society of Clinical Oncology Clinical Practice Guideline. J Clin Oncol. 2016 Aug 10;34(23):2784-96. doi: 10.1200/JCO.2016.67.1412.
error: Nội dung đã được bảo vệ !!
image chat